(GVNET) – Trong thời đại công nghệ số, các chiêu trò lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, tạo ra mối nguy lớn cho người dùng dân. Một trong những thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo là chiếm đoạt tài khoản ngân hàng thông qua ứng dụng, website mạo danh. Những “bẫy” này được thiết kế hết sức khéo léo, có khả năng đánh cắp thông tin và tài sản của người dùng chỉ trong tích tắc.
Công nghệ phát triển, tội phạm mạng lợi dụng triệt để
Ông Vũ Ngọc Sơn, chuyên gia bảo mật và Giám đốc Kỹ thuật tại Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), cho biết, nhờ các nền tảng lập trình không mã (no-code) hoặc lập trình bằng AI, việc tạo ra một trang web hay ứng dụng giả mạo hiện nay chỉ cần vài phút. Điều này giúp tội phạm mạng có thể nhanh chóng thiết lập các trang giả mạo giống hệt với giao diện đăng nhập của các ngân hàng và tổ chức tài chính, khiến người dùng khó phân biệt.
Các nền tảng no-code có thể giảm thời gian phát triển lên đến 90% so với việc viết mã thủ công, làm cho quá trình xây dựng ứng dụng hay trang web giả mạo ngày càng dễ dàng và nhanh chóng. Để tăng độ tin cậy, kẻ gian còn lựa chọn những tên miền gần giống với ngân hàng, chỉ khác biệt nhỏ bằng dấu gạch ngang hoặc dấu chấm, khiến người dùng mất cảnh giác.
Chiêu trò lừa đảo phổ biến và kịch bản tinh vi
Các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân qua nhiều hình thức như quảng cáo, tin nhắn giả mạo từ ngân hàng hoặc gọi điện trực tiếp, đóng vai nhân viên ngân hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Các kịch bản lừa đảo phổ biến gồm có:
- Mời nâng cấp thẻ tín dụng hoặc đề nghị vay tiền trực tuyến: Đối tượng thường đưa ra lời mời vay tiền dễ dàng với lãi suất thấp nhằm dụ người dùng cung cấp thông tin tài khoản.
- Thông báo phát sinh giao dịch lạ: Kẻ gian giả mạo thông báo giao dịch đáng ngờ và yêu cầu nạn nhân đăng nhập lại để xác minh.
- Cập nhật thông tin sinh trắc học: Một số đối tượng còn yêu cầu người dùng cung cấp dấu vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt qua các ứng dụng giả.
Một trong những hình thức lừa đảo nguy hiểm là yêu cầu nạn nhân tải các ứng dụng giả mạo về điện thoại. Các ứng dụng này chứa mã độc, có khả năng chiếm quyền kiểm soát điện thoại, từ đó đánh cắp thông tin nhạy cảm và thực hiện giao dịch trực tuyến mà người dùng không hay biết.
Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã khuyến cáo người dân nên hết sức thận trọng khi sử dụng các dịch vụ tài chính qua mạng, đặc biệt là khi thấy các thông tin, bài đăng không rõ nguồn gốc. Một số biện pháp tự bảo vệ như sau:
- Kiểm tra tính xác thực của thông tin: Hãy xác minh nguồn gốc các thông tin, nhất là khi nhận được thông báo yêu cầu giao dịch từ các nguồn không rõ ràng.
- Không cung cấp thông tin nhạy cảm: Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu hoặc các thông tin cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào.
- Không truy cập vào các đường dẫn lạ: Đối tượng thường gửi các liên kết giả mạo qua tin nhắn SMS hoặc email. Không nên nhấp vào các liên kết này khi chưa rõ nguồn gốc.
- Báo cáo kịp thời khi nghi ngờ lừa đảo: Nếu nghi ngờ mình đã cung cấp thông tin cho đối tượng lừa đảo, hãy liên hệ ngay với ngân hàng, cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ kịp thời.
Các chiêu trò lừa đảo qua mạng ngày càng phức tạp đòi hỏi dân cần cảnh giác cao độ và chủ động bảo vệ mình trước các nguy cơ này. Việc không cung cấp thông tin bảo mật và thận trọng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến là những bước cơ bản nhưng hiệu quả để tránh rơi vào bẫy của kẻ gian.
Tổng hợp