Nỗi lo khủng hoảng tiền tệ, kinh tế giảm tốc và nguy cơ rơi vào suy thoái đang khiến các ngân hàng trung ương (NHTƯ) khắp thế giới quay trở lại chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất…
Không thể không nới lỏng tiền tệ
Ngày 2/7, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25%, nối tiếp đợt giảm từ tháng trước, xuống mức thấp ở 1% trong một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giảm thất nghiệp và nâng lương. Ngày 6/7, NHTƯ Chi Lê giảm lãi suất từ mức 3% xuống 2,5%. NHTƯ Iceland cũng lần thứ hai liên tiếp giảm lãi suất để đối phó với tình trạng nền kinh tế sụt giảm, theo đó lãi suất giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 3,25%, tiếp nối đợt giảm 0,5% đã diễn ra vào tháng 5.
Từ đầu năm đến nay, đã có hàng loạt NHTƯ giảm lãi suất để chống đỡ với tình trạng bấp bênh trong nền kinh tế. Ngoài các NHTƯ kể trên còn có NHTƯ Ấn Độ đã ba lần giảm lãi suất với tổng mức giảm 0,75%, New Zealand giảm 0,25%, Nga giảm 0,25%. Trong khi đó, những nền kinh tế lớn khác vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng, như NHTƯ Nhật Bản giữ nguyên lãi suất đồng yên ở mức âm 0,1% hay Thụy Sĩ âm 0,75%, Thụy Điển âm 0,25%.
Đối với NHTƯ Châu Âu (ECB), ngày 2/7, Hội đồng Châu Âu (EC) đã bổ nhiệm bà Christine Lagarde – Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), làm Chủ tịch ECB thay ông Draghi. Theo giới phân tích, bà Lagarde sẽ ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ mà ông Draghi đưa ra trong tháng 9/2018, bao gồm đợt hạ lãi suất 10-15 điểm cơ bản và chương trình mua tài sản mới ở mức 30 tỷ euro/tháng.
Trong khi đó, với những NHTƯ đã thắt chặt tiền tệ thời gian qua như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thì đang tìm cách đảo ngược chính sách đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau nhiều lần đe dọa sa thải Chủ tịch FED là Jerome Powell, thì mới đây đã cho biết ông dự định đề cử Christopher Waller – Phó chủ tịch Điều hành FED khu vực St. Louis và Judy Shelton – cố vấn kinh tế cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 vào hội đồng của FED.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng 6/2019, bà Shelton nói rằng nếu được bổ nhiệm, bà sẽ hạ lãi suất xuống 0% trong một đến hai năm, phù hợp với lời kêu gọi giảm lãi suất của ông Trump.
Nỗi lo suy thoái kinh tế
Nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng đã dự báo kinh tế thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng vào năm 2020 hoặc 2021 và tiếp đó là thời kỳ suy thoái quay trở lại.
Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu kỳ hạn ba tháng đã vượt qua trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong tháng 5/2019, với mức chênh lệch lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu 2008.
Một số nhà kinh tế và nhà đầu tư tin rằng đường cong lợi suất đảo ngược đang phát tín hiệu đáng lo ngại về kinh tế toàn cầu.
Tại châu Âu, nỗi lo về sự giảm tốc kinh tế đã trở nên trầm trọng hơn sau khi Chính phủ Mỹ đe dọa sẽ áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng hóa EU vì một tranh chấp kéo dài về trợ cấp máy bay. IHS Markit hồi đầu tháng này cho biết tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất châu Âu đã giảm 5 tháng liên tiếp tính đến tháng 6/2019.
ECB đã hạ dự báo tăng trưởng trước đó trong năm nay. Nền kinh tế Eurozone phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhưng khi nền kinh tế Đức suy yếu, Ý bước vào suy thoái và Brexit sa vào bế tắc, cũng như chiến tranh thương mại, khiến nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại.
Ngay cả khi lợi suất trái phiếu khu vực đồng tiền chung châu Âu ở mức thấp nhất thì giới phân tích cũng dự báo rằng ECB sẽ có thể tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi 10 điểm cơ bản xuống âm 0,5% vào tháng 9/2019 và thông báo tiếp tục chương trình mua tài sản ròng trong tháng 10, đồng thời khó có thế sớm kết thúc các chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Tại Mỹ, lạm phát liên tục không đạt được mục tiêu 2% đề ra và các hàng rào thuế quan đã áp đặt giữa Mỹ và các đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc đã khiến các nhà điều hành tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới này bắt đầu lo lắng.
Hiện, giới đầu tư đang đánh cược vào khả năng giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 7 này của FED. Bơm tiền là liều thuốc đang được sử dụng trở lại, nhưng quan trọng là liệu có đủ để chặn đứng sự giảm tốc hoặc ít nhất là trì hoãn sự suy thoái kinh tế đang ngày càng đến gần hơn.
Theo TCTC