Dịch cúm đang tác động đến kinh tế của nhiều quốc gia, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay cũng được dự báo giảm và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Song Thủ tướng Chính phủ khẳng định chưa có cơ sở để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Như vậy, tìm giải pháp tăng sức đề kháng để vượt qua dịch bệnh cho doanh nghiệp (DN) nói riêng và nền kinh tế nói chung là một vấn đề quan trọng được đặt ra.
Các nhà máy trên toàn cầu đã lao đao trong tháng Hai do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó hoạt động chế tạo tại Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm kỷ lục, làm gia tăng khả năng ngân hàng trung ương các nước sẽ phối hợp về mặt chính sách để ngăn chặn một đợt suy thoái của kinh tế toàn cầu.
Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) của Caixin/Markit cho thấy hoạt động chế tạo ở Trung Quốc đã ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục trong tháng Hai, cho thấy ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh cấm đi lại nghiêm ngặt và các biện pháp kiểm soát y tế công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thu hẹp trong tháng trước, dịch COVID-19 đang bắt đầu “gặm nhấm” sự phục hồi sau cuộc bầu cử trong lĩnh vực chế tạo của Anh.
Tại Mỹ, chỉ số đo hoạt động chế tạo của Viện quản lý nguồn cung (ISM) đã giảm từ 50,9 điểm hồi tháng Một xuống 50,1 điểm trong tháng Hai.
Chỉ số PMI của Nhật Bản cho thấy hoạt động chế tạo của nước này đã suy giảm mạnh nhất trong gần bốn năm qua trong tháng Hai, qua đó củng cố những đồn đoán rằng kinh tế nước này đang trượt dần vào suy thoái.
Hoạt động chế tạo của Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng trên, khi đơn đặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức giảm nhanh nhất trong hơn sáu năm qua.
Cũng như các nước, khi dịch cúm bùng phát, kinh tế Việt Nam cũng phải hứng chịu nhiều bất lợi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra kịch bản kinh tế chỉ tăng trưởng từ 6% đến 6,3% trong khi trước đó đã đặt mục tiêu 6,8%.
Ngày 3/3, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) thông báo đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, mức lãi suất 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 0,5%, trong nỗ lực nhằm “bù đắp” cho tác động của dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Sự lo ngại trên các thị trường toàn cầu cũng đã hối thúc Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra tuyên bố mới đây rằng Fed sẽ “hành động phù hợp” để hỗ trợ nền kinh tế. Giới đầu tư xem phát biểu trên của ông Powell là manh mối cho thấy Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp ngày 17-18/3 tới. Ngân hàng trung ương Mỹ được dự đoán sẽ giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới.
Bên cạnh đó, có thể Canada sẽ có động thái tương tự trong tuần này. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có 50% khả năng sẽ quyết định hạ lãi suất vào tuần tới.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết sẽ có những biện pháp cần thiết để bình ổn thị trường tài chính.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương) cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách gia hạn các khoản vay và không phạt nếu quá hạn.
Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các TCTD hỗ trợ các DN khó khăn bằng cách khoanh lại nợ, giảm nợ, cũng có thể giảm lãi suất. Đặc biệt là với những DN xuất nhập khẩu, khi thị trường đầu ra/vào gặp khó khăn sẽ liên quan tới vướng mắc trong thanh toán nợ cho NH. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc được miễn, giảm lãi vay sẽ giúp cho DN có điều kiện vượt qua được khó khăn hiện nay.
Tổng hợp