05/12/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh nghiệm Vàng

Liên tục trồi sụt nhưng nhìn chung vẫn đi ngang, SJC sẽ đi về đâu?

Tính từ đầu tuần tới nay, giá vàng SJC liên tục điều chỉnh tăng/giảm khá mạnh từ 500.000 đến 1 triệu đồng/lượng. Cứ tăng rồi lại giảm, nên giá vàng SJC nhìn chung đang giằng co trong khoảng trên 71 đến 72 triệu đồng/lượng chiều mua và trên 74 đến dưới 75 triệu đồng/lượng chiều bán. Cả người đầu tư và nhà kinh doanh đều đang “nín thở” chờ đợi động thái mới của nhà cầm quyền.

Thị trường vàng miếng – kỳ vọng và thận trọng trong bối cảnh Chính phủ và NHNN tăng cường quản lý

Giá vàng SJC đang trải qua những ngày trầm lắng, phản ánh tâm trạng chờ đợi và thận trọng của các nhà đầu tư, sau khi Chính phủ đưa ra chỉ đạo quản lý thị trường vàng. Động thái này diễn ra song hành cùng với tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc sẽ sửa đổi Nghị định 24 và đánh giá lại vai trò của SJC, nhằm giải quyết các vấn đề về giá vàng đã tồn đọng từ lâu.

Tâm lý thị trường hiện nay được thể hiện qua sự e dè của cả người mua và người bán. Người bán lo ngại về việc mất giá, trong khi người mua lại e ngại rủi ro không lường trước được. Trong bối cảnh chưa rõ ràng về cách thức và mức độ can thiệp của NHNN vào thị trường vàng miếng, toàn bộ thị trường như đang rơi vào tình trạng chờ đợi, không dám mạo hiểm với các quyết định đầu tư.

Thị trường vàng trong hiện đang theo dõi sát sao những động thái tiếp theo của NHNN liên quan đến việc tăng cung vàng miếng SJC cũng như các điều chỉnh có thể có đối với Nghị định 24. Trong bối cảnh này, giới chuyên gia dự đoán rằng, nếu NHNN thực hiện nhập khẩu và tổ chức đấu thầu vàng trong năm 2024, giá vàng miếng trong nước có thể sẽ giảm mạnh xuống mức 65 triệu đồng/lượng. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường vàng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua bán vàng, đồng thời mang lại nguồn thu chênh lệch cho ngân sách nhà nước từ hoạt động đấu thầu.

Bài toán quản lý thị trường vàng tại Việt Nam

Vàng từ lâu đã trở thành một biểu tượng của sự giàu có và là kênh đầu tư ưa thích không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á. Không chỉ là một loại trang sức, vàng còn được coi là tài sản quý giá để tích trữ. Trong những thời điểm khủng hoảng như chiến tranh hay suy thoái kinh tế, vàng luôn là nơi trú ẩn an toàn và được săn đón.

Do đó, trong khi nhu cầu mua vàng là một thực tế không thể phủ nhận, việc hạn chế quá mức việc nhập khẩu vàng có thể không phải là giải pháp tối ưu. Thay vào đó, việc kiểm soát cung – cầu thị trường một cách chủ động và hiệu quả là yếu tố quan trọng để ngăn chặn những biến động giá đột ngột và không lành mạnh trên thị trường. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư và người dân tránh được những rủi ro và thất bại không đáng có khi thị trường vàng biến động mạnh.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi công điện đến NHNN và các bộ, ngành liên quan, yêu cầu quản lý chặt chẽ thị trường vàng để không để xảy ra tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới. Động thái này được kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý người dân trong việc đầu tư vàng.

Từ góc độ đầu tư, không nên xem vàng là kênh đầu cơ, nhất là với vàng miếng SJC vì thanh khoản không cao. Đối với nhà đầu tư, vàng không nên chiếm quá 10% trong danh mục đầu tư, nhằm mục đích bảo vệ tài sản trước những biến cố không lường trước được. Đầu tư vào vàng với mục đích lướt sóng đòi hỏi sự cẩn trọng cao độ.

Việc NHNN sửa đổi Nghị định 24 cũng đem lại nhiều suy ngẫm. Trước khi Nghị định này được ban hành, các ngân hàng Việt Nam từng gặp khó khăn do vấn đề trạng thái vàng – tổ chức cho vay vàng và sau đó bán vàng lấy VND để kinh doanh.

Câu hỏi đặt ra là liệu vàng có nên được coi là tiền hay chỉ là hàng hóa. Nếu xem vàng như tiền, có thể dẫn đến việc giao dịch ở Việt Nam chuyển sang sử dụng vàng nếu niềm tin vào tiền đồng sụt giảm, gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Vào năm 2011, giá vàng tăng đột ngột khiến các ngân hàng Việt Nam bị trạng thái âm vàng. Nghị định 24 năm 2012 ra đời để kiểm soát trạng thái vàng và thông qua đấu thầu vàng giúp trả lại trạng thái ổn định cho hệ thống ngân hàng.

Nghị định này đã giúp giải quyết vấn đề vàng hóa nền kinh tế và ổn định thị trường tiền tệ – ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, khi xem xét sửa đổi Nghị định 24, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng liệu chúng ta sẽ quản lý vàng như thế nào nếu tiếp tục coi nó như một loại hàng hóa, tài sản đầu tư.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....