Nhiều chuyên gia cho rằng vàng trong nước tăng cao hơn nhiều so với thế giới có nguyên nhân từ việc thiếu hụt nguồn cung, dẫn tới doanh nghiệp đầu mối phải nâng giá bán.
“Vàng trong nước thường bị đẩy cao hơn nhiều so với thế giới do quota (hạn ngạch – PV) thấp, nguồn cung hạn chế. Ngoài ra, mỗi khi giá tăng lên thì người dân lại đổ xô đi mua dù được khuyến cáo rất nhiều. Hai yếu tố này cộng hưởng càng khiến giá vàng tăng nóng hơn”, một chuyên gia nói với Zing về giá vàng miếng hiện nay.
Theo vị này, trong khi vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt thời điểm cao nhất (1.974 USD/ounce) mới trong khoảng 55,4 triệu đồng/lượng, thì vàng miếng SJC đã vượt mốc 58 triệu đồng.
Mức chênh lệch gần 3 triệu/lượng cho thấy vàng miếng trong nước không chỉ tồn tại yếu tố tăng theo thế giới mà còn do thiếu nguồn cung.
Không để SJC thiếu vàng
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) ngoài yếu tố thế giới tăng và trong nước muốn “đánh lên”, vàng SJC liên tục phá đỉnh còn có nguyên nhân từ thiếu vàng bán ra.
“Có thể SJC không mua được vàng từ cư dân, trong khi nhu cầu mua của người dân vẫn cao. Khi không mua được vào, họ bắt buộc phải nâng giá lên để ổn định thị trường”, ông nói.
Vị chuyên gia cho biết đây không phải lần đầu tiên vàng miếng ghi nhận xu hướng này. Vào thời điểm ông còn làm việc tại SJC, mạng lưới hàng chục cửa hàng vàng trên cả nước không mua được từ thị trường, trong khi nhu cầu mua của người dân vẫn có, buộc SJC khi đó phải nâng giá bán.
Để tránh một cơn “bão vàng” có thể xảy ra, ông Hải cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho phép SJC nhập và dùng vàng để phân kim, sản xuất vàng miếng trong nước.
“Nếu dùng ngoại tệ nhập vàng sẽ rất nguy hiểm, đồng thời trái với chủ trương chống vàng hóa của Chính phủ, trái với Nghị định 24 và sẽ làm tỷ giá USD trong nước tăng”, ông nói.
Tuy nhiên, nếu dùng cách phân kim vàng, cơ quan quản lý có thể hạ cơn sốt mà không mất nguồn ngoại tệ trong nước.
Vị chuyên gia cũng khẳng định nếu không giúp SJC đảm bảo nguồn cung, khi người dân tìm đến mua vàng bắt buộc doanh nghiệp này phải tăng giá cao hơn nữa. Khi đó vàng sẽ tạo kẽ hở lớn dẫn tới loạn giá thị trường.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc NHNN là đơn vị độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng dẫn tới nguồn cung vàng trên thị trường bị phụ thuộc vào cơ quan quản lý. Điều này dễ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp thiếu nguồn cung, thiếu quota sản xuất.
Vì vậy, nếu muốn kiểm soát giá trong nước, tránh tình trạng bão giá, NHNN nên xem xét cho phép một hoặc một vài doanh nghiệp vàng đủ tiêu chuẩn được phép nhập vàng nguyên liệu sản xuất vàng miếng trong một số trường hợp đặc biệt.
Bằng cách này, nguồn cung vàng trên thị trường sẽ không lo bị thiếu hụt và nhu cầu mua của người dân sẽ được đáp ứng. Tuy nhiên, nếu sử dụng biện pháp này sẽ cần biện pháp quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng người dân đổ xô tìm đến vàng như giai đoạn trước năm 2012.
Theo ghi nhận tại thị trường Hà Nội, dù vàng miếng vượt mức 58,1 triệu đồng/lượng kéo theo giá vàng trang sức tăng cao nhưng vẫn ghi nhận nhiều người dân tới giao dịch mua bán.
Đại diện một số doanh nghiệp lớn tại thủ đô cũng khẳng định trong vài ngày gần đây, lượng người tìm tới với nhu cầu mua vàng vẫn cao hơn bán, tỷ lệ phổ biến khoảng 60% khách mua và 40% khách bán.
Vàng miếng đang được quản lý thế nào?
Theo quy định hiện nay, Nhà nước là đầu mối độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng, giao Công ty SJC là đơn vị duy nhất gia công mặt hàng này. Đây là lý do vì sao trên thị trường có nhiều doanh nghiệp vàng lớn nhưng chỉ có một thương hiệu vàng miếng duy nhất là SJC.
SJC hiện là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM nên trong trường hợp cần thiết chuyển đổi quyền quản lý và sở hữu sẽ đơn giản, tiết kiệm cho ngân sách so với việc thành lập một doanh nghiệp mới.
Vàng miếng cũng được xem là một loại hàng hóa đặc biệt, liên quan đến dự trữ ngoại hối, có tác động rất lớn đến việc quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, nên được quản lý chặt chẽ như với ngoại tệ.
Kinh doanh mua, bán vàng miếng cũng là hoạt động có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy phép kinh doanh.
Trong khi đó, hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được NHNN cấp giấy phép chứng nhận cho doanh nghiệp đủ điều kiện.
Doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng sẽ được NHNN xem xét cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được.
Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được NHNN xem xét cấp giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.
Vàng bị chốt lời
Ngoài việc đảm bảo đủ nguồn cung, các chuyên gia cũng cho rằng vàng trong nước sẽ được doanh nghiệp điều chỉnh cùng chiều với thế giới, nhưng luôn giữ khoảng cách cao hơn vài triệu đồng đề phòng rủi ro quay đầu.
Theo ông Trần Thanh Hải, việc các doanh nghiệp trong nước niêm yết giá mua vào cao hơn 1,5 triệu đồng và giá bán ra cao hơn gần 3 triệu đồng so với thế giới, ngoài yếu tố tăng trước, còn nhằm hạn chế rủi ro.
“Nếu vàng thế giới bị chốt lời mạnh và giảm giá, các doanh nghiệp trong nước có thể giảm mạnh giá vàng 1-1,5 triệu đồng. Khi đó giá bán sẽ giảm về bằng giá mua hiện tại, vừa đảm bảo lợi nhuận cho nhà kinh doanh mà giá trong nước vẫn duy trì ở mức cao hơn thế giới”, ông phân tích.
Trong trường hợp kim loại quý thế giới thiết lập mặt bằng giá cao mới, vàng trong nước cũng không cần tăng/giảm quá sốc vài triệu đồng một phiên để trở về mốc tương đương giữa 2 thị trường.
Trên thị trường thế giới, như nhiều dự báo của chuyên gia trong nước và quốc tế, vàng giao ngay đang chịu áp lực chốt lời mạnh sau khi chạm mốc 1.980 USD/ounce vào cuối phiên 27/7 (theo giờ Mỹ), và đóng cửa ở mức 1.943 USD/ounce.
Đà suy giảm tiếp tục diễn ra trong phiên 28/7 (giờ Mỹ) trên sàn Kitco, có thời điểm vàng giao ngay đã giảm về dưới mốc 1.910 USD trước khi tăng trở lại vùng 1.930 USD/ounce hiện nay.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Kitco dự báo giá vàng giao ngay tháng 11 sẽ tăng lên mốc 2.085 USD/ounce, và chính thức vượt mốc 2.257 USD vào ngày 1/1/2021.
Tuy nhiên, trước khi vượt mốc 2.000 USD/ounce trong 4-5 tháng tới, kim loại quý sẽ chịu áp lực chốt lời lớn từ giới đầu tư và giảm về 1.915 USD/ounce trong tháng 9.
Ông Everett Millman, chuyên gia về vàng tại Gainesville Coins dự báo kim quý có thể bị điều chỉnh giảm khi đã tăng quá mạnh gần đây. Trong đó, nguyên nhân dẫn tới sự điều chỉnh chủ yếu do áp lực chốt lời từ cá nhân và các quỹ đầu cơ ngắn hạn được ghi nhận mua vào ở vùng 1.790-1.800 USD/ounce.
Báo cáo của TD Securities phát hành cuối tuần trước cũng đưa ra lời khuyên chốt lời cho các nhà đầu tư từ vùng 1.890 USD/ounce để tránh một đợt điều chỉnh trong ngắn hạn.
Theo zingnews