Vào lúc 4:25 chiều EDT ngày 14/9, hợp đồng vàng kì hạn tháng 12 trên sàn Comex tăng 12,70USD; định ở mức 1807,10$. Đà tăng giúp vàng vượt ngưỡng 1800$ xuất phát từ báo cáo của chính phủ cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt trong tháng 8.
Trong một Thông cáo của Cục Thống kê Lao động, chính phủ đã công bố những con số lạm phát mới nhất cho tháng 8/2021.
Chỉ số Giá tiêu dùng cho Tất cả Người tiêu dùng Thành thị (CPI-U) đã tăng 0,3% trong tháng 8 sau khi tăng 0,5% trong tháng 7 (trên cơ sở điều chỉnh theo mùa). Trong 12 tháng qua, chỉ số giá tất cả các mặt hàng đã tăng 5,3% (chưa tính yếu tố mùa vụ). Các chỉ số về xăng dầu, thiết bị và đồ dùng gia đình, thực phẩm và chỗ ở đều tăng trong tháng 8 và đóng góp vào mức tăng hàng tháng của tất cả các mặt hàng được điều chỉnh theo mùa.
Chỉ số năng lượng tăng 2,0%, chủ yếu do chỉ số xăng dầu tăng 2,8%. Chỉ số thực phẩm tăng 0,4%, trong đó chỉ số cho thực phẩm tại nhà và thực phẩm mang về đều tăng 0,4%.
Các con số lạm phát được công bố hôm thứ Ba thấp hơn mức dự báo 0,4% của các nhà kinh tế do Wall Street Journal thăm dò. Tuy nhiên, mức tăng 0,3% rõ ràng cho thấy áp lực lạm phát vẫn ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tỷ lệ lạm phát hiện tại đã giảm nhẹ từ mức 5,4% vào tháng 7, xuống mức 5,3% so với cùng kì năm ngoái trong tháng 8.
Báo cáo lạm phát đã gây áp lực cho đồng đô la Mỹ. Theo đó, chỉ số USD chốt phiên 14/9 ở mức 92,62 – xác nhận đà giảm nhẹ 0,03% trong ngày. Tuy nhiên, bản chất số liệu kinh tế không tệ để USD yếu đi mà USD giảm là phản ứng của những người tham gia thị trường khi họ định giá chính sách tiền tệ Mỹ. Cụ thể, lạm phát không quá nóng khiến nhà đầu tư đặt cược rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ chưa vội thu hẹp chương trình mua tài sản.
Theo Reuters: “Vàng đạt mức cao nhất trong một tuần vào thứ Ba. Nguyên nhân là vì đồng đô la giảm giá sau khi lạm phát Hoa Kỳ tăng chậm hơn dự kiến, dẫn đến sự không chắc chắn về lịch trình Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ giảm bớt kích thích tiền tệ”.
Tâm lý thị trường hiện đang nghiêng theo hướng Cục Dự trữ Liên bang sẽ công bố thời điểm ‘taper’ vào tháng 11. Tuy nhiên, cuộc họp FOMC vào tháng 9 vẫn rất đáng chú ý vì Fed công bố “biểu đồ chấm” mới nhất của mình, sẽ bao gồm/bổ sung đánh giá của họ đối với các mức lãi suất vào năm 2024.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Suki Cooper, nhà phân tích kim loại quý tại Ngân hàng Standard Chartered cho biết:
Trong khi một thông báo giảm dần khó có thể xảy ra cho đến cuộc họp FOMC tháng 11, cuộc họp tháng 9 sẽ đưa ra các dự báo về lãi suất cho năm 2024. Biểu đồ dấu chấm của năm 2024 có thể phản ánh 2 lần tăng lãi suất vào năm 2023.
Thông tin lạm phát ngày thứ Ba được hiểu là một yếu tố tích cực đối với giá vàng. Do đó, chúng ta có thể kỳ vọng vàng sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới.
Phân tích kỹ thuật cho thấy kháng cự hiện tại đầu tiên nằm ở mức 1809$ – mức trung bình động 200 ngày của vàng và sau đó là mức trung bình động 100 ngày của vàng tại 1815,70$. Kháng cự chính xảy ra ở mức 1837$ – đỉnh của phiên giao dịch 3/9.
Giavang.net