Mối lo ngại hiện nay trên thị trường toàn cầu chính là suy thoái kinh tế, hoặc tệ hơn thế, trong bối cảnh những biện pháp cách ly xã hội được áp dụng trên toàn cầu khiến việc làm, tiền lương của người lao động liên tục bị cắt giảm, kèm theo sự sụt giảm về tiêu dùng. Tuy nhiên đó sẽ chỉ là những rủi ro trong ngắn hạn.
Điều thực sự đáng lo ngại chính là tình trạng lạm phát khủng khiếp có thể xảy ra trong giai đoạn đầu phục hồi kinh tế, thậm chí tình trạng lạm phát đình đốn (stagflation) của thập niên 70 có khả năng lặp lại.
Chính phủ và các ngân hàng trung ương đang làm mọi thứ có thể vào thời kỳ suy thoái này, và sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi tình hình kinh tế được cải thiện. Ngay cả sự phục hồi hình chữ U xảy ra vào cuối năm 2021 cũng sẽ có tác động rất lớn đến giá cả của các mặt hàng thường ngày. Mối đe dọa lớn nhất đến từ việc các công ty thay đổi chuỗi cung ứng, chuyển đổi nhà cung cấp từ Trung Quốc sang các công ty khác, tại các quốc gia khác, đáng tin cậy hơn và dĩ nhiên đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, vẫn còn đó những mối bận tâm khác.
Ví dụ: Các công ty như Disney, hãng hàng không và nhà hàng có thể sẽ phải tăng giá để bù đắp chi phí phát sinh do các quy tắc giãn cách xã hội chưa được dỡ bỏ hoàn toàn. Dịch vụ truyền hình cáp đắt hơn do chi phí phát sóng các chương trình thể thao được điều chỉnh tăng để bù lại sự sụt giảm doanh thu từ bán vé trực tiếp. Giá dầu thô tương lai mặc dù có thể tiếp tục hồi phục khi nhu cầu quay trở lại, nhưng các quốc gia sản xuất dầu có lẽ sẽ vẫn giữ vững sản lượng như hiện nay để bù đắp phần doanh thu sụt giảm do virus. Xe cộ cũng có thể tăng giá khi các nhà sản xuất ô tô cố gắng vớt vát cho doanh thu nửa đầu năm 2020.
Kho bạc Hoa Kỳ sẽ phải huy động một khoản tiền lớn vào năm 2021, và qua đó trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với khu vực tư nhân trên thị trường vay vốn. Trong khi đó, Fed, người mua lớn nhất của Kho bạc, có thể sẽ tạm dừng các chương trình mua trái phiếu. Các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ thực hiện chính sách tương tự, và điều đó vô tình tạo ra áp lực cho các công cụ vay nợ của chính phủ. Khi lãi suất tăng, giá thuê nhà và giá nhà ở sẽ tăng vọt, trong khi giá thuê lại là một cấu phần trực tiếp để tính lạm phát.
Có một yếu tố đáng tiếc đi kèm với áp lực lạm phát này, đó là tăng trưởng việc làm lại hồi phục chậm hơn vì giãn cách xã hội ngăn cản thị trường đạt được mức toàn dụng lao động. Giá tiêu dùng tăng mà không đi kèm với mức lương tăng tương ứng sẽ gây áp lực rất lớn cho nền kinh tế, hoàn toàn có thể dẫn đến 1 cuộc suy thoái kinh tế thực sự vào năm 2021 mà không phải là một hệ quả trực tiếp từ đại dịch. Kịch bản lạm phát đình đốn này, lần cuối cùng xuất hiện từ những năm 1970, là kịch bản tồi tệ nhất cho thị trường, đặc biệt là đối với cổ phiếu và trái phiếu.
Bài viết là quan điểm của Vincent Cignarella, chuyên gia Bloomberg
Theo Dự báo tiền tệ