Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 17/11, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm từ mức 4,3% trong tháng 9/2023 xuống còn 2,9% trong tháng 10/2023, mức thấp nhất kể từ năm 2021.
Nếu loại trừ giá năng lượng và lương thực, lạm phát lõi ở khu vực này trong tháng 10 thậm chí còn giảm từ mức 4,5% trong tháng trước đó xuống 4,2%.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng lạm phát cơ bản, thường được tính bằng cách sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phản ánh “lạm phát tiềm tàng” và do đó, đây là “thước đo tốt hơn” về xu hướng lạm phát.
Một trong những yếu tố góp phần khiến lạm phát giảm là giá năng lượng giảm. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy giá năng lượng giảm 11,2% trong tháng 10/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù giá thực phẩm vẫn cao hơn đáng kể so với một năm trước đó, nhưng tỷ lệ lạm phát thực phẩm đã chậm lại từ 8,8% trong tháng 9/2023 xuống 7,4% trong tháng 10. Giá dịch vụ cũng chỉ tăng chút ít so với tháng trước.
Xu hướng lạm phát giữa các nước thành viên Eurozone vẫn khác nhau. Slovakia là nước ghi nhận tỷ lệ lạm phát hằng năm cao nhất, ở mức 7,8%. Trong khi đó, lạm phát của Đức giảm xuống 3,0% trong tháng 10 vừa qua – mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021.
Mặc dù lạm phát yếu hơn đáng kể, các nước vẫn cần nỗ lực vì mục tiêu lạm phát trung hạn 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Ngân hàng này đã tăng lãi suất chủ chốt một cách đáng kể trong suốt năm qua để chống lạm phát cao, nhưng gần đây vẫn giữ nguyên lãi suất. Lạm phát Eurozone đạt đỉnh điểm 10,6% vào tháng 10/2022.
Trước đó, ECB nhận định lạm phát của Eurozone sẽ tiếp tục hạ nhiệt sau khi giảm mạnh vào tháng 10 vừa qua. Phó chủ tịch ECB, ông Luis de Guindos cho rằng tình hình lạm phát ở Eurozone đã có diễn biến “tích cực” khi cả lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Theo ông, ECB sẽ tiếp tục dựa trên các dữ liệu về kinh tế và quan điểm tại các cuộc họp để đưa ra các quyết định về lãi suất trong thời gian tới.
Giavang.net