Nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn như xung đột thương mại giữa các cường quốc kinh tế, Brexit… là những “tảng đá ngầm” nguy hiểm, đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động trên toàn cầu mới có thể duy trì đà tăng trưởng thời gian qua.
Phát biểu họp báo ngày 14-4 trong khuôn khổ Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra ở Washington (Mỹ), Chủ tịch Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế (IMFC) Lesetja Kganyago đã đề cập tới một loạt thách thức đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu, trong đó có những căng thẳng thương mại, rủi ro địa chính trị và bất ổn chính trị. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách này IMF, đồng thời là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi cho biết, IMFC nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp hành động ngay lập tức để duy trì đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Những thách thức mà Chủ tịch IMFC nêu ra cũng là quan điểm chung của nhiều giới chức kinh tế hàng đầu thế giới tại hội nghị thường niên của hai định chế kinh tế lớn nhất toàn cầu IMF và WB diễn ra từ ngày 12-4 vừa qua. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết thế giới đang phải đối mặt với một quãng thời gian “bất trắc cao” khi cách đây 1 năm, 75% nền kinh tế toàn cầu ghi nhận xu hướng tăng trưởng khởi sắc, nhưng hiện nay thì 70% nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Nguyên nhân chính được người đứng đầu IMF chỉ ra là nền kinh tế toàn cầu rơi vào tăng trưởng chậm và tình trạng này có thể càng tồi tệ hơn bởi “những vết thương tự mình gây ra” như các cuộc chiến tranh thương mại không cần thiết. Ngoài những căng thẳng thương mại giữa các cường quốc và trung tâm kinh tế lớn chưa được giải quyết, bà Christine Lagarde cũng cho rằng, gánh nặng nợ cao của các quốc gia và các tập đoàn, và những bước đi chính trị sai lầm như “cuộc ly hôn vụng về” của nước Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU, Brexit) là những rủi ro đe dọa kinh tế toàn cầu.
Nguy cơ nền kinh tế toàn cầu “va phải đá ngầm” rủi ro khiến IMF trong dự báo tăng trưởng toàn cầu công bố ngay trước thềm Hội nghị mùa Xuân đã phải giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 từ 3,5% xuống còn 3,3%. Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, định chế tài chính này giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu với lo ngại kinh tế thế giới phải chịu những cú sốc lớn như chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và EU cũng như cuộc khủng hoảng Brexit.
Trong đó, khi phân tích kỹ hơn về tác động của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, IMF đã cho rằng việc cường quốc kinh tế áp đặt các mức thuế theo kiểu “ăn miếng, trả miếng” sẽ khiến GDP của Mỹ sụt giảm 0,6%, trong khi GDP của Trung Quốc giảm tới 1,5%. Do đó, IMF cho rằng, các Chính phủ như Mỹ, Trung Quốc hay các thành viên EU thay vì tung ra các “đòn đánh” tăng thuế, cần phải hợp tác giảm hàng rào thuế quan.
Nhân tố then chốt để thế giới lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2020, theo IMF là cộng đồng quốc tế, nhất là các nền kinh tế lớn nhất thế giới, phải hợp tác để “tránh thi hành những chính sách sai lầm, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại’, xem đó như là cách thức để nền kinh tế thế giới tránh “va phải đá ngầm” rủi ro.
Theo ANTĐ