Việc kinh tế tăng trưởng tốt trong tháng 4/2021 có thể do bởi các so sánh được tính toán dựa trên cái nền khá thấp của tháng 4/2020 khi mà kinh tế Trung Quốc còn đang vô cùng chật vật hồi phục.
Kinh tế Trung Quốc tháng 4/2021 tiếp tục tăng trưởng bùng nổ sau khi tăng trưởng kỷ lục vào quý 1/2021. Xuất khẩu và niềm tin doanh nghiệp tăng hỗ trợ quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế.
Những nhận định trên được đưa ra bởi chuyên gia thuộc bộ phận phân tích kinh tế của Bloomberg. Như vậy rõ ràng kinh tế Trung Quốc đã tiếp đà tăng trưởng của khoảng thời gian trước.
Tuy nhiên chuyên gia cũng khẳng định rằng việc kinh tế tăng trưởng tốt trong tháng 4/2021 có thể do bởi các so sánh được tính toán dựa trên cái nền khá thấp của tháng 4/2020 khi mà kinh tế Trung Quốc còn đang vô cùng chật vật hồi phục và mở cửa trở lại sau khoảng thời gian phong tỏa nhằm kiềm chế đại dịch Covid-19.
Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây được thực hiện bởi ngân hàng Standard Chartered thực hiện với hơn 500 doanh nghiệp, niềm tin của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Trung Quốc đã hồi phục đến tháng thứ 2 liên tiếp. Kỳ vọng tăng cao giúp cho kinh tế tăng trưởng tốt trong quý hiện tại.
“Nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển theo định hướng xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt hơn nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn tập trung chủ yếu vào thị trường trong nước. Các doanh nghiệp này có sản lượng cao hơn và giá sản xuất cũng cao hơn. Ngành dịch vụ đang bắt kịp với tốc độ nhanh nhờ vào chi phí giao thông, vận tải hàng hóa nguyên liệu và dịch vụ thương mại cải thiện, ngành dịch vụ du lịch và khách sạn vẫn đang tụt lại phía sau”, chuyên gia phân tích.
Sự cải thiện của ngành du lịch nhờ vào sự gỡ bỏ các biện pháp hạn chế cũng như các đợt triển khai vắc xin Covid-19, dù nhu cầu xuất khẩu vẫn vững vàng, nhu cầu nội địa đang phục hồi trở lại.
Xuất khẩu tăng vọt đã giúp cho GDP của Trung Quốc tăng trưởng kỷ lục 18,3% trong quý đầu năm 2021. Như vậy kinh tế Trung Quốc đã hồi phục rất ấn tượng sau khi tăng trưởng âm 6,8% trong cùng kỳ năm 2020 khi mà đại dịch Covid-19 mới bắt đầu, theo số liệu công bố của chính phủ Trung Quốc.
Nhu cầu hàng hóa của các nước đối tác thương mại của Trung Quốc tăng cao sau đại dịch Covid-19 đã giúp cho sản xuất công nghiệp và đầu tư của Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Xuất khẩu tăng trưởng 49% trong quý lên 710 tỷ USD, cùng lúc đó nhập khẩu tăng 28% lên 593,6 tỷ USD.
Dự kiến GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021 – năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm của chính phủ Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc đang kỳ vọng sẽ đẩy được tiêu dùng nội địa tăng trưởng cùng với sự phát triển của công nghệ cao tại nước này.
Tính so với quý gần nhất, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng được 0,6%, nó phản ánh cho tác động từ đại dịch Covid-19 lên các khu vực phía Bắc Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2/2021.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc trong những quý tới.
“Có khả năng chúng ta sẽ không thể duy trì được tăng trưởng cao bởi điều kiện kinh tế tại những nước khác”, giáo sư ngành kinh tế công nghệ tại đại học Fudan ở Thượng Hải, ông Rui Mingjie, nhận định. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc cũng đối diện với nhiều khó khăn khi mà quá trình tiêm vắc xin Covid-19 tại nước này đang diễn ra quá chậm chạp.
Một năm sau khi đại dịch Covid-19 tấn công vào Trung Quốc, virus hiện đang được kiểm soát. Giờ đây giới chức Trung Quốc hiện đang phải cố gắng thuyết phục người dân Trung Quốc đi tiêm vắc xin Covid-19 bằng đủ mọi cách, từ tạo áp lực xã hội cho đến khuyến khích, giáo dục và thậm chí bắt buộc.
Theo Wall Street Journal, kết quả các cuộc khảo sát cho thấy dù rằng tỷ lệ chấp nhận vắc xin Covid-19 ở mức cao, động lực khiến người dân Trung Quốc đi tiêm vắc xin khá thấp bởi xét đến bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở mức thấp.
Theo Nhipsongdoanhnghiep