Tăng trưởng của các nền kinh tế trung tâm của châu Âu nhanh hơn dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng kinh tế toàn cầu có thể tránh được sự sụt giảm trong năm nay như nhiều dự báo đã đưa ra.
Theo các dữ liệu sơ bộ vừa được công bố ngày 30/4, tăng trưởng quý I ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro tăng 0,4% so với 3 tháng trước đó và tăng gấp đôi so với mức tăng trưởng đạt được trong quý IV/2018. Mức tăng trưởng đạt được trong quý vừa qua làm hầu hết các chuyên gia kinh tế ngạc nhiên.
Trong đó, GDP của Tây Ban Nha tăng 0,7% trong ba tháng đầu năm, cải thiện nhẹ so với quý trước đó. Pháp cũng duy trì mức tăng trưởng 0,3% trong khi Italia tăng nhẹ lên mức 0,2%. Số liệu của Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực EU – hiện vẫn chưa được công bố, nhưng dữ liệu khảo sát cũng cho thấy một xu hướng tích cực sau khi nước này đã tránh được suy thoái kinh tế vào cuối năm 2018. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn EU đã giảm xuống mức 7,7% trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008.
Đây cũng là bằng chứng mới nhất cho thấy các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở trong tình trạng tốt hơn so với những gì mà nhiều nhà phân tích lo ngại. Kinh tế Trung Quốc đã phần nào mất động lực do trong bối cảnh chính phủ nước này mạnh tay thắt chặt với các khoản vay rủi ro cũng như các lực cản mà cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ hiện nay tạo ra. Bù lại, Bắc Kinh đã triển khai các biện pháp kích thích, từ cắt giảm thuế, tăng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhờ đó, nền kinh tế này đã có được tăng trưởng ở mức 6,4% trong quý I/2019, vượt dự báo của các nhà kinh tế.
Trong khi đó, kinh tế Mỹ cũng đạt mức tăng trưởng 3,2%, tốt hơn dự kiến nhờ chi tiêu của chính phủ và địa phương mạnh hơn, trong khi nhập khẩu và hàng tồn kho kinh doanh thấp hơn. Brexit – một rủi ro lớn có thể làm trật bánh nền kinh tế Anh và gây tổn hại cho các nước láng giềng EU – cũng chưa diễn ra theo kế hoạch ban đầu và nhiều khả năng chỉ ngã ngũ vào thời điểm cuối tháng 10 tới.
Florian Hense, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Berenberg cho biết, những diễn biến vừa qua cho thấy kinh tế toàn cầu năm 2019 có thể không ảm đạm như một số dự báo. “Trong vài tuần gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã giảm bớt, tin tức từ Trung Quốc cho thấy các biện pháp kích thích dường như đã bắt đầu phát huy tác dụng và nguy cơ Brexit cứng ngay lập tức cũng đã được loại trừ”, ông Florian Hense nói.
Theo Thời báo Ngân hàng