29 C
Hanoi
01/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Kinh tế thế giới: BoJ giữ nguyên lãi suất cơ bản; Lạm phát Eurozone vượt dự báo

(GVNET) – Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hôm 31/10 đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 0,25%, phù hợp với dự đoán của giới phân tích. Đây là lần thứ hai trong năm BoJ đưa ra quyết định này, sau đợt tăng lãi suất vào tháng 3 – lần tăng đầu tiên trong suốt 17 năm qua.

Quyết định giữ nguyên lãi suất của BoJ được đưa ra trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế bất ổn. Tại Nhật Bản, cuộc tổng tuyển cử ngày 27/10 vừa qua mang lại kết quả không mấy khả quan cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, trong khi Mỹ cũng đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 5/11 tới. Cả hai sự kiện chính trị lớn này đều khiến thị trường trở nên nhạy cảm, dẫn đến biến động khó lường.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế của BoJ, ngân hàng kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng trên mức tiềm năng, với sự hỗ trợ từ điều kiện tài chính nới lỏng và động lực tăng trưởng từ bên ngoài. BoJ dự báo lạm phát sẽ đạt 2,5% trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2025), trước khi giảm xuống 2,0% trong hai năm tiếp theo.

BoJ lâu nay là một trường hợp ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, khi kiên trì duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để kích thích lạm phát. Mặc dù đã tăng lãi suất vào tháng 3 và tháng 7 vừa qua, BoJ vẫn đang cẩn trọng cân nhắc các điều chỉnh tiếp theo để tránh tạo áp lực quá mức lên nền kinh tế. Lập trường này nhận được sự ủng hộ từ các nhà hoạch định chính sách như ông Ishiba, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, nhưng sau khi đồng yen tăng giá và thị trường chứng khoán biến động, BoJ buộc phải điều chỉnh các mục tiêu chính sách sao cho thận trọng hơn.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng Nhật Bản có thể cần tạm dừng chính sách nới lỏng để tránh tình trạng lãi suất cao gây sức ép lên người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ đồng nghĩa với việc đồng yen suy yếu và chi phí nhập khẩu cao hơn. Việc duy trì lãi suất thấp giúp hạn chế áp lực lên “núi nợ” khổng lồ của Nhật Bản – tương đương khoảng 250% GDP – vốn sẽ trở nên khó kiểm soát hơn khi lãi suất tăng.

Lạm phát Eurozone vượt dự báo trong tháng 10

Ngày 31/10, dữ liệu chính thức của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đã tăng mạnh hơn dự kiến vào tháng 10 do chi phí thực phẩm tăng, tuy nhiên vẫn phù hợp với mục tiêu 2% được đề ra.

Cụ thể, giá tiêu dùng tăng theo năm tại khu vực đồng tiền chung đã đạt 2,0% vào tháng 10, tăng từ mức 1,7% vào tháng 9, vốn là lần đầu tiên chỉ số này giảm xuống dưới mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong hơn 3 năm qua.

Theo các nhà phân tích, lạm phát chung đã tăng nhanh hơn dự báo, nhưng lạm phát lõi (không tính giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) vẫn ổn định ở mức 2,7% từ tháng 9.

Giá thực phẩm và đồ uống tăng lên 2,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,4% được ghi nhận trong tháng 9. Trong khi đó, giá năng lượng giảm 4,6%, chậm hơn so với mức giảm 6,1% của một tháng trước đó.

Với lạm phát hạ nhiệt kể từ mức đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022, ECB đã bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay khi tập trung vào việc giải quyết tình trạng tăng trưởng chậm của châu Âu.

Mặc dù lạm phát tăng cao hơn, ECB có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 12, nhưng cũng có thể lựa chọn giảm chi phí đi vay với tốc độ chậm hơn.

Ngoài ra, Eurozone cũng ghi nhận mức tăng trưởng 0,4% trong khoảng thời gian từ tháng 7-9 năm nay, mức tăng cao hơn dự kiến nhưng vẫn còn thấp hơn so với mức 0,7% của Mỹ trong cùng kỳ.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung, lạm phát đã tăng mạnh vào tháng 10, lên 2,4% do giá thực phẩm tăng cao.

Trong khi đó, tại Pháp, giá tiêu dùng tăng nhẹ lên 1,5% trong tháng này, từ mức 1,4% của tháng 9. Slovenia ghi nhận tỷ lệ lạm phát bằng 0 vào tháng 10.

Tổng hợp

Đang tải....