Theo số liệu chính thức do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 14/11, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý kết thúc vào tháng 9/2019 đã tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào tuần trước đã kêu gọi đưa ra gói kích cầu nhằm giúp kinh tế Nhật phục hồi từ những thảm họa thiên nhiên gần đây và giúp ngăn rủi ro suy giảm của nền kinh tế.
Nền kinh tế Nhật Bản trong quý III/2019 đã ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong một năm, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và nhu cầu toàn cầu yếu đi đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nước này.
Theo số liệu chính thức do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 14/11, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý kết thúc vào tháng 9/2019 đã tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này đã giảm khá mạnh từ mức tăng được điều chỉnh 1,8% ghi nhận trong quý II/2019 và thấp hơn mức dự báo tăng 0,8% của thị trường.
Chuyên viên nghiên cứu cấp cao Taro Saito tại Viện nghiên cứu NLI cho biết nhu cầu nội địa đã bù đắp cho nhu cầu suy yếu từ thị trường bên ngoài, nhưng ông không cho rằng xu hướng này sẽ kéo dài. Ông Taro Saito nhận định nhiều khả năng GDP của Nhật Bản trong quý IV/2019 cũng sẽ suy giảm và nền kinh tế có thể hồi phục vào đầu năm tới nhưng sẽ thiếu lực đẩy.
Ngoài ra, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân tại Nhật Bản cũng “hạ nhiệt” xuống 0,4%, so với mức tăng 0,6% ghi nhận hồi quý II/2019, mặc dù nhu cầu của các hộ gia đình đã trở nên mạnh hơn khi họ tìm cách đối phó với đợt tăng thuế hồi tháng 10 vừa qua.
Điều này khiến giới quan sát tỏ ra nghi ngờ quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) rằng nhu cầu nội địa mạnh sẽ bù đắp cho tác động từ rủi ro toàn cầu gia tăng.
Điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế Nhật Bản là chi tiêu đầu tư sản xuất đã tăng 0,9% trong quý III, qua đó giúp nhu cầu trong nước góp thêm 0,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung. Nhưng sự suy giảm nhu cầu từ thị trường bên ngoài cũng kéo 0,2 điểm phần trăm khỏi tăng trưởng GDP của Nhật Bản. Hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Mỹ-Trung kéo dài khiến chuỗi cung ứng thế giới xáo động và làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu.
Giữa bối cảnh đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết trong khi kinh tế nước này có thể tiếp tục phục hồi ở mức vừa phải, Chính phủ sẽ cảnh giác với những tác động từ rủi ro toàn cầu và việc tăng thuế tiêu thụ. Ông cũng cho hay các nguyên tắc nền tảng cơ bản cho hoạt động tiêu dùng vẫn vững chắc, nhưng lòng tin người tiêu dùng vẫn còn yếu. Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến sau này.
Những số liệu yếu kém có thể dấy lên những lời kêu gọi Chính phủ tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế mà nhiều người lo ngại sẽ bị ảnh hưởng khá lớn từ đợt tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 10. Tại cuộc họp tháng trước, BoJ đã giữ nguyên chính sách tiền tệ nhưng cũng báo hiệu sự sẵn sàng duy trì hoặc thậm chí cắt giảm lãi suất vốn đã ở mức rất thấp để củng cố sự phục hồi mong manh của nền kinh tế./.
Tổng hợp