Các chuyên gia phân tích thuộc S&P Global Ratings thừa nhận cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang làm giảm những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Theo dự báo của S&P Global Ratings, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới sẽ giảm xuống còn 1,7% trong năm 2020.
Thấp hơn mức kỳ vọng
S&P Global Ratings cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống 2,3% trong năm nay, thấp hơn mức kỳ vọng 2,5%, đồng thời cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là một trong những nguyên nhân chính. Theo nhận định của Ann Bovino, nhà kinh tế trưởng của S&P Global Ratings, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang gây ra những tác động xấu bất chấp chi tiêu tiêu dùng, thị trường lao động và nhà ở của Mỹ rất mạnh.
Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chi tiêu tiêu dùng, một động lực của nền kinh tế Mỹ và chiếm hơn 2/3 tổng sản lượng kinh tế, đã giảm. Bên cạnh đó, đầu tư kinh doanh cũng tiếp tục giảm trong tháng 8. Đơn đặt hàng cho thiết bị và máy móc lâu dài đã giảm 0,2% so với tháng 7 và 1,7% từ tháng 8-2019. Giới chuyên gia nhận định việc người tiêu dùng thắt chặt hầu bao cùng với việc giảm đầu tư của các doanh nghiệp trong tháng 8 là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo và việc tăng thuế quan làm giảm đà phát triển của nền kinh tế Mỹ.
Việc chỉ số tiêu dùng, từng là điểm sáng của nền kinh tế, tăng chậm lại chứng tỏ người tiêu dùng có thể cũng bị tác động bởi cuộc chiến thuế quan vốn khiến doanh nghiệp và các nhà sản xuất Mỹ “điêu đứng” trong nhiều tháng qua. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu, gói cắt giảm thuế năm 2017 không còn phát huy tác dụng cùng với căng thẳng thương mại leo thang đang đè nặng lên nền kinh tế Mỹ. Theo giới chuyên gia, nền kinh tế Mỹ không tránh khỏi những tác động của các yếu tố trên nên đang dần chững lại.
Áp lực đè nặng
Tờ Fortune nhận định, những dự báo về tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể gây ra rắc rối cho Tổng thống Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump từng đưa ra cam kết về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế lên tới mức “5% hoặc thậm chí 6%”. Nhà Trắng sau đó đã “điều chỉnh” mức kỳ vọng ở con số tăng trưởng 3%/năm. Bên cạnh đó, sóng gió diễn ra trên chính trường Mỹ xuất phát từ kế hoạch luận tội người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tạo thêm áp lực cho Tổng thống Mỹ trước vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc, dự kiến diễn ra trong tuần tới. Hai bên đang muốn tìm kiếm một giải pháp cho cuộc chiến thương mại, trong đó bao gồm việc tăng thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa được giao dịch giữa 2 nước. Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố, Mỹ sẽ tăng thuế quan đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ mức hiện tại lên 30% vào ngày 15-10. Người đứng đầu Nhà Trắng tái khẳng định sẽ không chấp nhận một thỏa thuận tồi tệ với Trung Quốc.
Trong lúc kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu kém lạc quan, Trung Quốc lại được S&P Global Ratings xếp hạng tín nhiệm ở mức “A+/A-1”, với đánh giá nước này sẽ giữ tăng trưởng GDP trên trung bình và cải thiện hoạt động tài chính trong vòng 3 đến 4 năm tới. S&P cũng nhận định kinh tế Trung Quốc có thể đối mặt với những bất ổn gia tăng do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế và giảm rủi ro tài chính.
S&P dự báo tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc duy trì ở mức trên 5% trong 3 năm tới. Trong quý 2-2019, tăng trưởng kinh tế của nước này đạt 6,2%, thấp hơn 0,4% so với mức tăng trưởng cả năm ngoái và thấp hơn 0,2% so với mức tăng trưởng quý 1.
Theo SGGP