Xác xuất kinh tế Mỹ suy thoái xảy ra vào năm 2020 đang tăng lên mức cao nhất kế từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Các lần khủng khoảng kinh tế thế giới trước đây đều dính dáng đến các nguyên nhân xuất phát từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ. Do đó, không chỉ Việt Nam mà các nhà làm chính sách, doanh nhân cũng như nhà đầu tư trên thế giới đều quan tâm đến sức khỏe nền kinh tế này. Tuy nhiên, cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (New York FED) đã công bố báo cáo cho rằng xác xuất kinh tế Mỹ suy thoái xảy ra vào năm 2020 đang tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vậy nó ám chỉ điều gì và có đáng tin cậy không?
Ai đưa ra chỉ số này và để làm gì?
New York Fed vừa công bố Chỉ số dự báo Xác suất Suy thoái trong 12 tháng tới. Chỉ số này đã tăng liên tục từ giữa năm ngoái, sau khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu đánh thuế lên các sản phẩm Trung Quốc, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh Mỹ – Trung và kéo dài đến hiện tại. Theo báo cáo mới nhất của New York Fed, chỉ số này hiện ở mức 38%, tăng hơn 9 lần so với trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, ở mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính gần nhất, ngang ngửa với thời điểm năm 2001 và 2008 trước khi suy thoái – khủng hoảng.
Suy thoái kinh tế nổi tiếng là khó dự đoán. Khó khăn đến từ việc suy thoái xảy ra chỉ có 7 lần kể từ năm 1965, do đó có rất ít dữ liệu để thống kê tính toán. Tuy nhiên, vẫn có vài mô hình dự báo dựa trên số liệu, đã dự đoán gần đúng các cuộc suy thoái trước đó và được các nhà hoạch định chính sách, ngân hàng trung ương tin dùng để điều chỉnh, đưa ra chính sách phù hợp, chuẩn bị kế hoạch cho kịch bản xấu có thể xảy ra.
Chỉ số đo lường xác suất xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới của New York Fed là một chỉ số như vậy, nổi tiếng với độ chính xác khá cao. Để tính xác suất suy thoái này, các nhà phân tích đã sử dụng một mô hình tính toán phức tạp dựa trên sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và 3 tháng, có lịch sử nổi tiếng về dự đoán suy thoái thành công và các con số khác như tỉ lệ thất nghiệp, lạm phát…
New York FED là 1 trong 12 ngân hàng dự trữ liên bang của Mỹ, cũng là ngân hàng lớn nhất theo tài sản và có ảnh hưởng nhất trong số 12 ngân hàng này. New York Fed hoạt động trong Hệ thống Dự trữ Liên bang có nhiệm vụ thực hiện chính sách tiền tệ, giám sát và điều chỉnh các tổ chức tài chính và giúp duy trì hệ thống thanh toán của quốc gia Mỹ.
Chỉ số này được New York FED công bố hằng tháng và là một chỉ báo quan trọng tác động lớn đến các quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ví dụ như quyết định hạ lãi suất hay không.
Ngoài ra, các quỹ đầu tư, tập đoàn lớn cũng theo dõi chỉ số này để đưa ra các chiến lược đầu tư – kinh doanh phù hợp, đặc biệt là kế hoạch dự phòng nếu xảy ra suy thoái. Theo đó, khi các tập đoàn lớn như Microsoft, IBM, ExxonMobil, General Electric hay Quỹ đầu tư BlackRock, UBS, JP Morgan thay đổi các quyết định đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế các nước.
Ví dụ, ở Việt Nam, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra từ tháng 3.2018, thị trường chứng khoán toàn thế giới giảm mạnh, FED vẫn tiếp tục nâng lãi suất làm đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác. Ngoài nỗi lo suy giảm kinh tế do chiến tranh thương mại, nhà đầu tư nước ngoài lại còn bị đe dọa bởi rủi ro đồng tiền các nước khác như Việt Nam sẽ rớt giá mạnh so với đồng USD làm giảm giá trị các khoản đầu tư.
Từ tháng 4-7.2018, khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu các nước mới nổi – đang phát triển, chỉ số VN-Index giảm 25% về 900 điểm, PSE Composite Index của Philippines giảm 10%, trong khi chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ nhờ dòng vốn đổ về, lại tăng 2%.
Có đáng tin cậy?
Giám đốc Đầu tư của Quỹ đầu tư Morgan Stanley Wealth Management, thuộc JP Morgan, ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ, đã nói trong bức thư gửi nhà đầu tư hồi tháng 7.2018: “Trong quá khứ, kể từ năm 1960, cứ như rằng lúc nào chỉ số này vượt quá mức 30%, thì một cuộc suy thoái sẽ đi theo sau đó”. Lúc đó, chỉ số dự báo suy thoái này vừa vượt lên mức 32,9%.
Nhưng con số xác suất 30% có quá nhỏ để lo sợ? Trưởng Bộ phận Phân tích của Công ty Fundstrat Global Advisors, một công ty nghiên cứu thị trường chứng khoán, nói thêm: “Trước khủng hoảng, xác suất này thường không vượt quá 40%”.
Thực tế, đây cũng chỉ là kết quả của một mô hình tính toán xác suất và dự báo khủng hoảng kinh tế luôn là đề tài hấp dẫn mọi chuyên gia kinh tế cũng như các CEO, nhà đầu tư. Tuy nhiên, một số quỹ ngoại như PYN Elite Fund cho rằng, nếu có suy thoái toàn cầu xảy ra, khi đó Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia vịnh tránh bão, bị ảnh hưởng ít hơn và sẽ vượt qua, hồi phục mạnh mẽ trước nhiều quốc gia khác.
Theo NCĐT.