TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank (MSB) đưa ra hai kịch bản dự báo về tỷ giá USD/VNĐ, lãi suất thị trường tiền tệ (TTTT) và lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2020.
Theo TS. Trịnh Quang Anh, với thực trạng thể chế và cấu trúc nền kinh tế hiện tại, việc NHNN xác định mục tiêu ưu tiên là giữ ổn định tỷ giá và chọn cách điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) như đã và đang làm, được cho là hợp lý, minh chứng bởi các thành tựu, kết quả ngành NH đạt được. Theo đó, khuôn khổ điều hành CSTT cũng cần thay đổi theo lộ trình có cam kết, có thể là giảm can thiệp thị trường ngoại tệ, cho phép tỷ giá linh hoạt hơn, hướng nhiều hơn tới việc điều hành lãi suất…
Muốn làm được vậy, TS. Trịnh Quang Anh cho rằng, điều kiện tiền đề là dung môi để truyền dẫn CSTT phải được lành mạnh hóa. Dung môi đó là chính TTTT, với nhân tố cốt lõi là sức khỏe thể trạng và thái độ hành xử của các thành viên, chủ yếu là các NHTM. Xa hơn là câu chuyện muôn thuở – thể chế và cấu trúc nền kinh tế.
Từ phân tích bối cảnh, TS. Trịnh Quang Anh đưa ra 2 kịch bản, tương ứng với các nhóm giả định khác nhau, để đưa ra dự báo về tỷ giá USD/VNĐ, lãi suất TTTT và lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2020.
Kịch bản 1 là kịch bản cơ sở (xác suất 65-70%) – lạc quan. Cụ thể, dòng vốn vào vẫn rất triển vọng, đặt trong bối cảnh lãi suất USD ổn định và tỷ giá USD/NDT tương đối ổn định, cộng với tâm lý thị trường khá vững, tỷ giá USD/VNĐ tiếp tục đi ngang với mức giá phụ thuộc giá sàn mua vào ngoại tệ của NHNN. Theo đó, hoạt động mua ròng ngoại tệ của NHNN từ hệ thống tiếp tục được duy trì. Đồng thời, hoạt động giải ngân tiền gửi KBNN từ NHNN xuống thị trường 1 bắt đầu nhộn nhịp.
Cùng với đó là chủ trương giữ mặt bằng lãi suất thị trường 1 ở mức thấp hợp lý, lãi suất thị trường 2 được duy trì ở mặt bằng đủ thấp, dao động quanh mức 3+/-1% cho kỳ hạn 1 tuần. Với bối cảnh vốn khả dụng hệ thống dồi dào, mặt bằng lãi suất thị trường 2 được duy trì ở mức thấp, trong điều kiện cầu vẫn vượt cung, lãi suất TPCP sẽ cơ bản duy trì mặt bằng thấp như hiện tại, với biên độ điều chỉnh nhỏ. Cụ thể, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm quanh mức 3,5-4%/năm.
Kịch bản 2 kém lạc quan hơn, với xác suất 25-30%. Rủi ro địa chính trị cùng với rủi ro cán cân thương mại gia tăng (dù được bù đắp bởi cán cân tài chính và chuyển tiền kiều hối), khiến dòng vốn vào ròng kém tích cực. Tỷ giá USD/VNĐ sẽ có những đợt biến động đáng kể với xu hướng đi lên để phản ánh rủi ro vào giá. Với triển vọng thị trường ngoại tệ kém ổn định, hoạt động mua ròng ngoại tệ của NHNN từ hệ thống không còn giữ được nhịp độ như trong năm 2019.
Lãi suất thị trường 2 sẽ có nhiều đợt biến động hơn, với mặt bằng bình quân không còn thấp như năm trước, cơ bản dao động quanh mức lãi suất cho vay cầm cố OMO của NHNN. Mặt bằng lãi suất thị trường 2 dâng lên mức cao hơn nhưng tiếp tục trong điều kiện cầu vượt cung, nên lãi suất TPCP cũng sẽ được điều chỉnh theo xu hướng tăng lên. Cụ thể, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm có thể quay về mức mặt bằng cao như trong nửa cuối 2018, khoảng 4,5- 5%/năm.
Theo KT