Giá vàng trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh trong tuần qua và lần đầu tiên vượt qua mốc 1.400 đô la Mỹ/ounce kể từ tháng 9-2013. Giới phân tích dự báo trong ngắn hạn, giá vàng có thể giảm hoặc đi ngang do áp lực chốt lời nhưng trong vòng 12 tháng tới, giá vàng có thể tiến về mốc 1.500 đô la, thậm chí 1.600 đô la/ounce.
Chốt phiên giao dịch 21-6 trước khi thị trường bước vào những ngày nghỉ cuối tuần, giá vàng tương lai giao cho tháng 8 trên thị trường New York tăng 0,44%, lên mức 1.400,1 đô la/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 9-2013. Trong phiên giao dịch, giá vàng có chạm mức 1.415,4 đô la/ounce.
Tính cả tuần, giá vàng tăng giá khoảng 4,1%. Đây cũng là tuần tăng giá tốt nhất của vàng kể từ tháng 4-2016. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 10%.
Rất dễ để tìm kiếm các lý do khiến vàng tăng giá trong thời gian gần đây từ các tín hiệu nới lỏng định lượng của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các chỉ báo kỹ thuật ủng hộ tăng giá, lãi suất trái phiếu giảm và nỗi lo về một cuộc xung đột quân sự giữ Mỹ và Iran.
Adrian Day, Chủ tịch Công ty quản quản lý tài sản Adrian Day Asset Management ở bang Maryland (Mỹ) nhận định “Có sự thay đổi lớn về tâm lý trên thị trường vàng”.
Hôm 20-6, các nhà phân tích ở ngân hàng Citigroup cho rằng cơn hưng phấn hiện nay trên thị trường vàng là hợp lý. Họ dự báo vàng có thể đạt mức từ 1.500-1.600 đô la Mỹ/ounce trong vòng 12 tháng tới trong kịch bản lạc quan.
Nhà phân tích Aakash Doshi của Citigroup nói rằng hồi đầu năm nay, nhóm của ông dự báo giá vàng đạt 1.400 đô la Mỹ/ounce trong năm nay nhưng trước các diễn biến mới, ông dự báo giá vàng sẽ tiến đến mức 1.450 đô la Mỹ/ounce trong ba tháng tới.
Các nhà chiến lược ở ngân hàng AZN cũng đồng tình với nhận định này. Họ cho rằng khi triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu đang xấu đi và các căng thẳng địa chính trị gia tăng, giá vàng “có cơ hội hợp lý” để phá ngưỡng 1.500 đô la Mỹ/ounce trong 12 tháng tới.
Trong tuần qua, giá vàng tăng sau khi Fed phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm nay do những bất ổn về triển vọng kinh tế của Mỹ và thế giới do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Thông báo của Fed hôm 19-6 nói rằng Fed “sẽ hành động thích hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế”.
Theo các nhà phân tích, thông điệp này có nghĩa là Fed đang bắn tín hiệu cắt giảm lãi suất nhiều nhất là 0,5 điểm phần trăm (cho hai lần cắt giảm) vào cuối năm nay.
Các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Nhật Bản và Úc cũng phát đi những thông điệp hướng đến chính sách nới lỏng định lượng nếu tình hình kinh tế chuyển biến xấu.
Giá vàng cũng được hỗ trợ bởi các căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông sau khi Iran bắn rơi máy bay trinh sát không người lái của Mỹ hôm 20-6, làm tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran.
“Căn cứ vào lập trường mới nhất của Fed, nửa cuối năm nay có vẻ thực sự thú vị đối với vàng”, Brian Leni, người sáng lập trang đánh giá cổ phiếu JuniorStockReview.com, nói.
Wayne Gordon, Giám đốc phụ trách hàng hóa và hối đoái ở đơn vị quản lý tài sản của ngân hàng UBS cho rằng, xét về dài hạn, một rủi ro đối với thị trường vàng là Fed không giảm lãi suất như kỳ vọng. Ông cho biết các nhà phân tích ở UBS dự báo Fed sẽ cắt giảm hai lần vào cuối năm nay nhưng thị trường đang định giá vàng dựa trên dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất ba lần.
Trao đổi với hãng tin Reuters, Howie Lee, nhà kinh tế ở ngân hàng OCBC (Singapore) nói “Có một sự kết hợp hoàn hảo các yếu tố để vàng tăng bốc đầu trong thời gian gần đây đó là môi trường kinh tế vĩ mô yếu, lãi suất trái phiếu giảm, đồng đô la yếu và các căng thằng địa chính trị”.
Ông cho rằng các căng thẳng liên quan đến Iran là chất xúc tác để giá vàng phá ngưỡng 1.400 đô la Mỹ/ounce.
Nhà phân tích Daniel Briesemann ở ngân hàng Commerzbank cho rằng vàng vẫn hút nhu cầu đầu tư vì được xem là nơi trú ẩn tài sản an toàn và lưu trữ giá trị tài sản. Tuy nhiên, ông lưu ý giá vàng đã tăng quá mạnh do hoạt động mua đầu cơ và trong ngắn hạn, giá vàng có thể điều chỉnh giảm do áp lực chốt lời.
Đồng tình với nhận định này, David Lennox, nhà phân tích ở Fat Prophets, nói trong thời gian tới, giá vàng có thể giật lùi.
Todd ‘Bubba’ Horwitz, nhà chiến lược trưởng của BubbaTrading.com, nhận định xét trên quan điểm kỹ thuật, giá vàng đang hoàn thiện mẫu hình chiếc tách và tay cầm (mẫu hình tăng giá). Nhưng ông cho rằng trong ngắn hạn, giá vàng cần nghỉ ngơi để củng cố trước khi tăng giá trở lại và hướng đến mốc 1.500 đô la Mỹ/ounce.
Giờ đây, giới đầu tư sẽ tập trung vào Mỹ và Trung Quốc khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến thảo luận về các vấn đề thương mại tại cuộc gặp của họ bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng này. Thị trường vàng sẽ phản ứng với mốc 1.400 đô la Mỹ tùy thuộc vào kết quả cuộc gặp này.
Các nhà phân tích ở ngân hàng ANZ nhận định rủi ro cho triển vọng tăng giá của vàng là Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.
Họ viết trong một báo cáo gửi các nhà đầu tư: “Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ làm giảm mạnh các rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu cũng như giảm khả năng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, đây không phải là kịch bản dự báo chính của chúng tôi vì căng thẳng Mỹ-Trung có khả năng sẽ duy trì trong một thời gian nữa”.
Theo TBKTSG