Được mô tả là “thời đại của đồng”, việc các chính phủ sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư thời hậu Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu về kim loại này.
Cơn sốt đồng sắp bùng nổ
Nhu cầu sụt giảm đẩy giá đồng tụt xuống đáy khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3. Tuy nhiên, đồng tiêu chuẩn trên Sàn giao dịch kim loại London có giá 5.909 USD/tấn vào ngày 23/6, tăng 0,5%. Mức giá cao nhất của đồng trong 5 tháng vừa qua đạt 5.928 USD vào hồi đầu tháng này.
Henning Gloystein của Eurasia Group đánh giá, đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy các chính phủ đầu tư nhiều tiền của hơn nữa cho việc số hóa cũng như các giải pháp xanh vì môi trường. Điều này dự báo trước sự bùng nổ trong nhu cầu về đồng thời kỳ hậu đại dịch.
“Các gói kích thích xanh và chuyển đổi số, đặc biệt là ở châu Á và châu Âu, sẽ tạo ra sự bùng nổ nhu cầu về đồng. Xe điện, mạng 5G cũng như năng lượng tái tạo đều cần tới thứ kim loại đỏ này”, ông Gloystein cho biết.
Tuy nhiên, nhu cầu về đồng sẽ giảm khoảng 5% trong năm 2020 bởi suy thoái do đại dịch. Dù vậy, các biện pháp kích thích sâu rộng sẽ thúc đẩy trở lại nhu cầu với thứ kim loại này. Mốc tiền khủng hoảng có thể đạt được vào năm tới, thậm chí tăng trưởng 4% trong năm 2021.
Các nhà phân tích của Bank of America vừa đưa ra dự báo mới nhất về giá của kim loại này. Theo đó, năm 2020, giá đồng sẽ tăng 5,4% lên 5.621 USD/tấn. Thậm chí, năm 2021, giá của nó có thể lên tới 6.250 USD/tấn. Khi các quốc gia thoát khỏi tình cảnh bị đóng cửa, nhu cầu về đồng có thể sẽ cao hơn nữa.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cũng kỳ vọng đồng sẽ sớm trở lại mốc trước dịch nhờ các biện pháp kích thích trên toàn cầu. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc cũng như gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu sẽ khiến giá bị đẩy lên cao.
Theo lưu ý của Eurasia Group, các chương trình năng lượng sạch và số hóa sẽ thúc đẩy nhu cầu với đồng tăng 2,5% mỗi năm. Đến năm 2030, thế giới sẽ tiêu thụ tới 30 triệu tấn đồng chỉ phục vụ riêng mục đích này. Thay đổi chính sách ở châu Á và châu Âu đóng góp lớn vào sự thay đổi này.
Công nghiệp xe điện hiện nay mới chiếm 1% nhu cầu về đồng. Đến năm 2020, chuyên gia của Eurasia Group dự đoán con số sẽ là 10%. Bên cạnh đó, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD vào số hóa nền kinh tế của họ trong thập kỷ tới. Trong khi nhiều quốc gia khác cũng cam kết phát triển các công nghệ xanh.
“Đồng sẽ là nguyên liệu quan trọng cho hầu hết tất cả các ngành công nghiệp đang được đẩy mạnh. Chào mừng đến với kỳ nguyên của đồng”, Gloystein nhận định.
Đòn bẩy chính trị cho Trung Quốc
Bản thân Gloystein cũng thừa nhận các nước nam bán cầu, nơi có ngành công nghiệp khai thác đồng lớn, sẽ là những quốc gia hưởng lợi nhất khi nhu cầu gia tăng. Tuy nhiên, Gloystein cảnh báo rằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các nước này có thể mang lại cho họ đòn bẩy chính trị tại cả Australia và Nam Mỹ.
“Sự trỗi dậy của kinh tế đồng sẽ có ý nghĩa chính trị. Trung Quốc, với tư cách là nhà nhập khẩu nguyên liệu thô hàng đầu, có thể sẽ có được nhiều đòn bẩy chính trị hơn đối với các khu vực khai thác nhiều đồng”, Gloystein cho biết.
Trung Quốc đang là nước nhập khẩu đồng tinh chế lớn nhất thế giới. Theo Eurasia Group, Trung Quốc tiêu thụ 13 triệu tấn đồng vào năm ngoái.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc bùng lên trong những năm gần đây sau khi quốc gia châu Đại Dương hất cẳng Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, khỏi các dự án 5G của mình. Trước đó, Mỹ lên tiếng cảnh báo sản phẩm của Huawei là mối đe dọa với an ninh quốc gia và khuyến cáo đồng minh không sử dụng sản phẩm của công ty Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa 2 quốc gia tiếp tục tổn hại hơn nữa trong thời gian gần đây khi Chính phủ Australia kêu gọi một cuộc điều tra về vai trò của Trung Quốc trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 khắp toàn cầu. Đáp trả, Trung Quốc áp thuế đối với một loạt các hàng hóa nhập khẩu từ Australia.
Trong khi một số nhà lập pháp Australia đề nghị điều chỉnh lại mục tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhu cầu về đồng có thể khiến họ đạt được những con số lớn mà không cần phải thay đổi. Trong khi đó, ngoài đồng từ Australia, Trung Quốc sẽ tăng cường ảnh hưởng tại Chile, nhà xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này tham gia vào sáng kiến thương mại Vành đai và con đường mà Trung Quốc khởi xướng.
Doanh số bán đồng của Chile cho Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, khi doanh số càng tăng lên, nó càng thể hiện sự phụ thuộc chính trị của quốc gia Nam Mỹ này với Trung Quốc. Từ CPTPP tới việc sử dụng thiết bị 5G của Huawei hay mối quan hệ với Mỹ đều có thể bị can thiệp.
Điều tương tự cũng được Eurasia Group cảnh báo với Peru, quốc gia xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều gấp đôi so với xuất khẩu sang châu Âu hoặc Mỹ. Vốn được coi là sân sau của nền kinh tế số 1 thế giới, việc nhiều nước Nam Mỹ đang phụ thuộc vào Trung Quốc có thể trở thành sự đe dọa cho vị thế của nước Mỹ. Sự bùng nổ trong ngành công nghiệp đồng có thể mang đến cho Trung Quốc một lợi thế khác ngay cả khi chính quốc gia này là người mua.
Trong khi đó, sự bùng nổ của đồng có thể tiếp tục khoét sâu những rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc Trung Quốc đẩy mạnh vị thế trong vai trò siêu cường sẽ tác động đến vị thế của nước Mỹ. Washington sẽ không cam chịu điều này.
Theo Nhịp sống kinh tế