24 C
Hanoi
28/03/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Kết quả bầu cử Mỹ sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với các chính sách kinh tế toàn cầu?

Vào đầu tháng 11 tới đây, cử tri Mỹ sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn, bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump hay ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Vào đầu tháng 11 tới đây, cử tri Mỹ sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn, bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump hay ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Mỗi ứng cử viên đều mang đến một tầm nhìn hoàn toàn khác biệt cho nước Mỹ về đường lối chính sách đối ngoại, quốc phòng và các vấn đề xã hội.

Với cách thức lãnh đạo khác biệt đáng kể, các vấn đề kinh tế vĩ mô và những quy định liên quan cũng sẽ rất khác nhau dưới sự điều hành của một trong hai nhân vật này.

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Australian Financial Review, nhà kinh tế trưởng và là trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Tổ chức PGIM Fixed Income, Nathan Sheets, nhận định các chính sách kinh tế của ông Trump thường được thể hiện mạnh mẽ, với mục tiêu tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng trong nước và theo đuổi chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên”.

Trong khi đó, trong cương lĩnh tranh cử của mình, ứng cử viên Biden đang kêu gọi Chính phủ Mỹ cần mở rộng và nỗ lực hơn nữa để giải quyết tình trạng bất bình đẳng, cũng như cung cấp các khoản đầu tư quan trọng cho người dân, hạ tầng cơ sở và môi trường.

Cả thế giới hiện đang theo dõi cuộc bầu cử tổng thống này, vì kết quả của nó chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi trong nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng toàn cầu trong tương lai.

Tác giả phân tích, nếu ông Trump tái đắc cử, ông có vẻ sẽ tiếp tục các chính sách đã theo đuổi trong suốt nhiệm kỳ đầu của mình. Về cơ bản, những trọng tâm này được thiết kế để cho phép khu vực tư nhân và, đặc biệt là, tổng cung của nền kinh tế được mở rộng nhanh chóng nhất có thể. Lý do chính yếu là nhằm tạo ra thêm nhiều việc làm hơn, mang lại sự giàu có và đổi mới được tạo ra trong khu vực tư nhân.

Luôn nhất quán với sự tập trung vào khu vực tư nhân, cuối năm 2017, Tổng thống Trump đã thúc đẩy một kế hoạch cắt giảm thuế lớn, trong đó trọng tâm đặt vào cải cách thuế doanh nghiệp. Ông Trump cũng giảm bớt một số lượng lớn các quy định, bao gồm các quy định về môi trường và lao động, bảo vệ nhà đầu tư và quy định tài chính.

Mặc dù sự thành công của những nỗ lực mà ông Trump đã thực hiện vẫn còn là vấn đề bàn cãi, nhưng những người ủng hộ ông chỉ ra rằng, trước khi đại dịch COVID-19 tàn phá Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất lịch sử và thị trường chứng khoán luôn ở mức cao nhất mọi thời đại (thị trường này mới đây đã ghi nhận sự phục hồi bất chấp tác động của dịch bệnh), và tăng trưởng kinh tế đang trong lộ trình “đến đích” với một tốc độ vững chắc, nếu không muốn nói là ngoạn mục.

Hơn nữa, thước đo về sự hài lòng của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng ở mức cao. Tuy nhiên, công bằng mà nói, ông Trump đã được thừa hưởng một nền kinh tế vững mạnh từ chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama và động thái cắt giảm thuế của ông đã gây ra mức thâm hụt tài khóa lớn chưa từng có, trong một khoảng thời gian được dự kiến là sẽ kéo dài rất lâu.

Tất nhiên, những mũi nhọn khác trong các chính sách kinh tế của ông Trump bao gồm cả nỗ lực nhằm xác định lại các chính sách kinh tế của Mỹ ở nước ngoài theo đúng tinh thần “Nước Mỹ trước tiên”. Ông Trump có một quan điểm hoài nghi về thương mại, toàn cầu hóa và hợp tác kinh tế nhiều hơn so với những người tiền nhiệm.

Các “chính sách cứng rắn” của Tổng thống Trump đã đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và cuộc đối đầu giữa hai bên đã lan sang các tranh chấp về công nghệ, đầu tư và tiền tệ. Cũng có những căng thẳng, nhưng ít gay gắt hơn, đôi khi bùng lên giữa Mỹ và các đồng minh khác, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico.

Những căng thẳng này được khuếch đại lên bởi phong cách điều hành khó đoán của ông Trump, tạo ra sự thay đổi tạm thời cho các thị trường. Nhưng ông Trump đã cẩn thận để không đẩy nền kinh tế Mỹ hoặc các thị trường vượt quá điểm phá vỡ chúng. Tuy nhiên, câu hỏi là liệu Tổng thống Trump có cẩn thận như vậy trong nhiệm kỳ thứ hai, khi không còn tồn tại dự tính tái tranh cử lần nữa?

Ngược lại, tác giả cho rằng trọng tâm cương lĩnh tranh cử của ông Biden tập trung vào sự bất bình đẳng.

Chương trình nghị sự của ông Biden dựa trên việc giải quyết các vấn đề của nước Mỹ về bất bình đẳng kinh tế. Trung bình các hộ gia đình Mỹ trong top 1% sở hữu số tài sản nhiều gấp 1.250 lần so với trung bình các hộ gia đình trong top 50% phía dưới. Điều này gây tác động tới xã hội, chính trị của nước Mỹ. Bằng chứng được đưa ra là việc tái cân bằng các nguồn lực từ “đã làm” sang “chưa làm” có thể giúp nâng tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy phải đi kèm với nhận thức về sự đánh đổi tiềm năng giữa công bằng và hiệu quả – và chấp nhận “mất mát” để duy trì năng suất lao động của nền kinh tế. Nhằm đạt được sự cân bằng này, các đề xuất của ông Biden hướng tới việc kêu gọi mở rộng chi tiêu xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe, và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, môi trường và các loại hàng hóa dịch vụ công khác.

Những chương trình đó sẽ được tài trợ kinh phí bằng cách đảo ngược một phần chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp của ông Trump và đánh thuế tăng đối với các hộ gia đình có mức thu nhập cao. Mặc dù vậy, thâm hụt ngân sách cao có khả năng vẫn tồn tại dưới sự lãnh đạo của ông Biden.

Chính quyền của ông Biden cũng sẽ tìm kiếm các phương án thắt chặt quy định để bảo vệ môi trường, người tiêu dùng, người lao động và nhà đầu tư. Dưới thời ông Biden, chính sách chống độc quyền sẽ được tiết chế hơn. Hành động này được coi là một nỗ lực có chủ đích nhằm đánh đổi một phần tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lấy sự an toàn hơn, lành mạnh hơn, công bằng hơn và có tiềm năng hiệu quả hơn trong tương lai.

Đây là những mục tiêu quan trọng và các chương trình nghị sự về kế hoạch phát triển tương lai của ông Biden sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế của nước Mỹ. Nhưng những nỗ lực như vậy sẽ thực sự đi được bao xa trong việc giảm bất bình đẳng và tăng cường cơ hội?

Ngoài ra, việc tăng thuế, nhưng đồng thời tăng chi tiêu chính phủ và thắt chặt các quy định hơn nữa, có khả năng sẽ kìm hãm sức sống của khu vực tư nhân ở mức độ nào đó hoặc gây ra những hậu quả không mong muốn khác? Theo tác giả, đây hiện vẫn là những câu hỏi mở – nhưng quan trọng.

Trên trường quốc tế, chính sách kinh tế của ông Biden sẽ mang tính truyền thống hơn so với của ông Trump, trong đó duy trì trọng tâm hướng tới sự hợp tác với các đồng minh trên toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng thể hiện qua cách mà ông Biden tiếp cận với Trung Quốc.

Rất nhiều quốc gia đã chia sẻ sự quan ngại của Mỹ về các chính sách của Trung Quốc và ông Biden sẽ tìm cách xây dựng một liên minh nhằm gây áp lực với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhìn chung, ông Biden sẽ là một nhân tố dễ chịu hơn khi Mỹ đóng vai trò là nhà lãnh đạo trong các vấn đề kinh tế quốc tế.

Ông cũng sẽ tìm cách hợp tác trong các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cho tới thời điểm hiện tại, các thị trường đã hấp thu hầu như toàn bộ những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bao gồm cả sự ưa thích lẫn lo lắng về các chính sách kinh tế của hai ứng cử viên.

Theo tác giả, một cách công tâm, những người tham gia thị trường có xu hướng ủng hộ cho chính sách duy trì mức thuế thấp của ông Trump, nhưng họ cũng không mong muốn một cuộc chiến thương mại leo thang liên tiếp và một phong cách khó định đoán của vị tổng thống này.

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng những tác động từ kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây sẽ không chỉ xác định quỹ đạo chính sách kinh tế của Mỹ trong vòng bốn năm tới, mà còn có tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới của cường quốc số một thế giới.

Theo TTXVN

Tin liên quan

Đang tải....