Các thị trường cận biên ít tương quan với phần còn lại của tài chính thế giới, do sự liên kết yếu và mức độ mở còn kém. Chính điều này vô tình ngăn chặn tác động của những nhiễu loạn toàn cầu đối với thị trường, và giúp giảm tác động của những cú sốc bên ngoài tới diễn biến thị trường.
Trong thế giới đầu tư, các thị trường mới nổi (emerging markets) từ lâu đã được biết tới như những khu rừng với vô vàn cạm bẫy khó lường mà các nhà đầu tư lỗi lạc đôi khi cũng không thể dự đoán trước. Chỉ những người dũng cảm và may mắn mới nhận được phần thưởng khi đầu tư cổ phiếu ở các thị trường này.
Thế nhưng, các thị trường cận biên (frontier markets) thậm chí còn ở mức tiêu chuẩn thấp hơn nữa. Đó là những thị trường chứng khoán hay tiền tệ có quy mô quá nhỏ, chưa thỏa mãn những tiêu chí chủ chốt để được xếp hạng là thị trường mới nổi. Đầu tư ở một thị trường cận biên đòi hỏi các nhà đầu tư phải chấp nhận mức độ hồi hộp cao và chịu đựng rất nhiều yếu tố bất định có thể xảy ra bất cứ lúc nào làm cho khoản đầu tư biến mất hoàn toàn.
Với cách cắt nghĩa đơn giản, nhiều người xem việc đầu tư ở các thị trường cận biên vậy không khác nào hành động đánh bạc. Nhưng trong điều kiện các bất ổn cực mạnh đang xảy ra trên khắp thế giới như hiện nay khiến cho hầu hết các cơ hội đầu tư đều trở nên rủi ro, thì một vài thị trường chứng khoán cận biên lại đang được xem xét thử nghiệm như một nơi trú ẩn an toàn. Nguyên nhân chủ yếu là vì hầu hết các thị trường cận biên đều ít tương quan với thị trường tài chính thế giới, do quy mô quá nhỏ và mức độ mở chưa cao. Hiện nay, các thị trường cận biên được biết tới nhiều nhất là Sri Lanka, Kazakhstan, Nigeria hay Việt Nam.
Thị trường cận biên là gì?
Trong hệ thống xếp hạng các mức độ tiến bộ của thị trường chứng khoán hoặc tiền tệ trên thế giới, các thị trường cận biên đứng ở mức thấp nhất được xếp hạng. Dưới đó là các thị trường chưa được xếp hạng. Đứng đầu là các thị trường phát triển (như Mỹ, Anh hay Nhật Bản), tiếp đến là các thị trường mới nổi (như Trung Quốc, Nga hay Brazil). Dưới cùng là các thị trường cận biên. Tất nhiên, xếp hạng của thị trường là cận biên hay mới nổi không phản án sự phát triển kinh tế xã hội hay thu nhập nói chung của đất nước đó.
Hiện nay, việc xếp hạng thị trường chủ yếu được thực hiện bởi một vài tổ chức chuyên nghiệp như FTSE hay MSCI. Mỗi tổ chức phân loại theo những tiêu chí cụ thể khác nhau, nhưng số lượng thị trường cận biên trên thế giới hiện tại là khoảng 30, chủ yếu nằm ở Trung Đông, Nam Á, Châu Phi hay Đông Âu.
Theo MSCI, tổ chức xếp hạng và cung cấp chỉ số thị trường lớn nhất thế giới, các thị trường cận biên cần phải đáp ứng ở mức tối thiểu một số tiêu chí quan trọng về sự cởi mở nhất định với các nhà đầu tư nước ngoài hay sự tự do di chuyển của dòng vốn. Ngoài ra, thị trường cận biên cũng cần có ít nhất 2 công ty có vốn hóa lớn hơn 800 triệu USD.
Hiện nay, quy mô của các thị trường cận biên trên thế giới chỉ khoảng 750 tỷ, quá nhỏ so với con số khoảng 20 nghìn tỷ của các thị trường mới nổi. Mặc dù số lượng công ty niêm yết ở một vài thị trường cận biên là tương đối đáng kể (chẳng hạn Việt Nam có hơn 1.500 công ty có cổ phiếu được giao dịch công khai), nhưng khối lượng và giá trị giao dịch là rất thấp. Cùng với đó, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng bị hạn chế hơn nhiều so với các thị trường mới nổi và đặc biệt là việc sở hữu cổ phiếu đối với nhà đầu tư nước ngoài rất khó khăn ở một vài lĩnh vực chủ chốt.
Tham gia đầu tư cổ phiếu tại các thị trường cận biên chủ yếu là những nhà đầu tư địa phương hoặc nhà nước. Đặc biệt nhà nước sở hữu lượng cổ phiếu rất lớn đối với các công ty niêm yết ở những thị trường này. Thậm chí đối với một vài công ty lớn do nhà nước sở hữu, việc niêm yết và giao dịch chỉ mang tính hình thức.
Vẫn có những nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tại các thị trường cận biên mặc dù rất hạn chế và chủ yếu là các quỹ đầu tư có hoạt động tập trung ở một vài thị trường hoặc lĩnh vực đầu tư nhất định. Sự tham gia của các quỹ đầu tư chỉ số gần như không đáng kể so với quy mô các quỹ đầu tư toàn cầu.
Vì sao các thị trường cận biên vẫn thu hút nhà đầu tư?
Một trong những điểm thu hút nhà đầu tư đến với các thị trường cận biên chính là tỷ suất sinh lời vượt trội cho những người tham gia sớm hơn đám đông. Do quy mô của các thị trường cận biên đều rất nhỏ và sơ khai, chỉ cần nền kinh tế tại thị trường đó có những triển vọng tích cực và cơ sở hạ tầng tài chính được nâng cấp hay được quan tâm bởi chính phủ các nước, thì thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng rất nhanh chóng. Các nhà đầu tư tham gia sớm trước đám đông sẽ được thưởng xứng đáng.
Chẳng hạn, chỉ số chứng khoán chính của Pakistan đã tăng trưởng ở mức bình quân 25%/năm tính theo USD trong suốt 8 năm liền tính tới 2016, trước khi được thế giới chú ý đến như một ứng cử viên mới chuẩn bị được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Nếu lựa chọn đúng để tham gia sớm ở một vài thị trường cận biên, thành quả mà nhà đầu tư nhận được là đặc biệt hấp dẫn. Chỉ số VN-Index của Việt Nam tăng trung bình hàng năm 9,8% trong suốt thập kỷ sau khủng hoảng tài chính 2008 và mức tăng trưởng kép khoảng 13% trong giai đoạn 2000 – 2018.
Gần đây, khi căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, một số nước lân cận Trung Quốc ở khu vực Nam Á hay Đông Nam Á đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư toàn cầu, bao gồm cả việc đầu tư trực tiếp FDI và đầu tư gián tiếp qua thị trường tài chính. Việt Nam, một trong những thị trường cận biên có quy mô lớn nhất hiện nay, cũng thu hút sự chú ý mạnh mẽ.
Các thị trường cận biên ít tương quan với phần còn lại của thị trường tài chính thế giới, do sự liên kết yếu và mức độ mở còn kém. Khi điều kiện thị trường tài chính thế giới thuận lợi, đặc điểm này gây nhiều e ngại cho nhà đầu tư toàn cầu để mua cổ phiếu cận biên. Nhưng trong bối cảnh thế giới đang trở nên bất ổn nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính, thì sự hạn chế này bỗng chốc lại trở thành một ưu điểm. Nó vô tình ngăn chặn sự gia tăng của những nhiễu loạn toàn cầu đối với các thị trường cận biên, và giúp giảm tác động của những cú sốc bên ngoài tới diễn biến thị trường. Tất nhiên, ngoại trừ một số tình huống đặc biệt nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Giới đầu tư thế giới luôn tỉnh táo và đủ khả năng để phân bố tài sản sao cho phù hợp nhất trong từng giai đoạn thị trường. Không có thị trường nào chỉ toàn cơ hội, cũng không có ở đâu chỉ toàn rủi ro. Trong những cuộc khủng hoảng, những thị trường nào đủ khả năng vượt qua nó một cách an toàn nhất sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.
Theo Trí thức trẻ