Trong năm 2020, kinh tế thế giới tăng trưởng âm 3,3% và ghi nhận mức sụt giảm sâu nhất tính từ thời Đại Suy thoái năm 1929.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ 2 trong 3 tháng, cùng lúc đó IMF cảnh báo về khả năng bất bình đẳng tăng cao cũng như tăng trưởng của nhóm nền kinh tế phát triển và kém phát triển hơn diễn biến trái chiều.
Kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng 5,5% được đưa ra trong lần tính toán gần nhất vào tháng 1/2021, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố ngày thứ Ba.
Nếu kịch bản trên thực sự xảy ra, kinh tế toàn cầu năm 2021 như vậy sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong 4 thập kỷ. Trong năm 2020, kinh tế thế giới tăng trưởng âm 3,3% và ghi nhận mức sụt giảm sâu nhất tính từ thời Đại Suy thoái năm 1929.
Thông điệp dự báo mới nhất từ IMF cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu cần rút dần đi các biện pháp hỗ trợ nhằm ngăn khó khăn về tài khóa. Ngân hàng Trung ương các nước tạm thời nên có hướng dẫn về chính sách tiền tệ nhằm giảm thiểu rủi ro của dòng vốn.
IMF kêu gọi các nước giàu cố gắng giúp các nước nghèo ứng phó ngăn đại dịch Covid-19 đồng thời nhấn mạnh đến việc cần ưu tiên chi tiêu cho lĩnh vực y tế nhằm đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Gói hỗ trợ kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua vào tháng trước sẽ giúp cho GDP Mỹ tăng trưởng lên vượt mức trước đại dịch Covid-19 ngay trong năm nay và sẽ có tác động đến cả các nước đối tác.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 4,4%, cao hơn mức 4,2% theo tính toán lần gần nhất.
Cũng theo IMF, nhiều nền kinh tế phát triển trên toàn cầu sẽ không thể trở lại ngưỡng trước đại dịch Covid-19 cho tới năm 2022, và nhóm nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng sẽ phải chờ đến năm 2023 để đạt được ngưỡng này. Quy mô kinh tế thế giới năm 2024 sẽ vẫn nhỏ hơn 3% so với tính toán trước đại dịch Covid-19.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại IMF, ông Gita Gopinath, nhận xét: “Triển vọng trên tiềm ẩn thách thức với tốc độ phục hồi của nền kinh tế và tiềm năng kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng”.
Trong tuần này, thị trường sẽ rất quan tâm đến việc IMF phát hành 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt với mục tiêu tăng cường thanh khoản toàn cầu và giúp cho nhóm nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp đương đầu với khối nợ cũng như chi phí y tế tăng cao.
Theo phân tích của IMF, trong năm ngoái, việc các nhà hoạch định chính sách phản ứng nhanh đã giúp ngăn được kịch bản mà lẽ ra đã xấu gấp 3 lần như vậy, trong trung hạn, thiệt hại mà kinh tế toàn cầu phải gánh chịu sẽ thấp hơn so với sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 1 thập kỷ.
Dự báo chi tiết với một số khu vực kinh tế như sau:
Nhóm nền kinh tế phát triển được dự báo tăng trưởng 5,1% trong năm nay, cao hơn so với mức 4,3% theo tính toán trước đó.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng 6,7%, cao hơn ngưỡng 6,3% trong lần dự báo trước đây.
Kinh tế Mỹ được kỳ vọng tăng trưởng 6,4%, tăng so với mức 5,1% dự báo vào tháng 1/2021. Gói hỗ trợ kinh tế được thông qua vào tháng 3/2021 sẽ giúp GDP Mỹ tăng trưởng thêm từ 5 đến 6% trong vòng 3 năm.
Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tăng trưởng 4,4%, cao hơn so với ngưỡng 4,2% theo tính toán trước đó.
Kinh tế Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo tăng trưởng lần lượt 3,3%; 8,4% và 12,5%.
Theo Bizlive