Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 23/3 cho biết, kinh tế thế giới đang chứng kiến những thiệt hại “khốc liệt” do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, đồng thời cảnh báo kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm.
Theo bà Georgieva những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể nhiều hơn năm 2009 và sẽ đòi hỏi một cách phản ứng chưa từng có tiền lệ.
Trong bình luận gửi tới Bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bà Georgieva kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến cung cấp thêm hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp và IMF “sẵn sàng triển khai toàn bộ khoản cho vay trị giá 1.000 tỷ USD để chống dịch Covid-19”.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước trên thế giới đối mặt với nguy cơ đóng cửa hàng loạt, bà Georgieva cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 “ở mức âm – cuộc suy thoái ít nhất là tồi tệ như một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hoặc còn tồi tệ hơn”.
Trong khi đó, cùng ngày, các Bộ trưởng tài chính G20 đã nhất trí theo dõi chặt chẽ diễn biến của đại dịch Covid-19 và sẽ có các hành động tiếp theo nhằm cứu trợ các nền kinh tế trong và sau cuộc khủng hoảng này.
Theo một thông cáo báo chí công bố sau cuộc họp qua điện thoại, các Bộ trưởng tài chính G20 cũng đã nhất trí soạn thảo một kế hoạch hành động chung, theo đó sẽ “phác thảo các hành động của từng nước và hành động tập thể” mà các nước thành viên G20 đã và sẽ tiến hành nhằm chống lại sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19.
Cũng trong ngày 23/3, Điện Elysée công bố báo cáo về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó, hai nhà lãnh đạo thống nhất mong muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh G20 đặc biệt để bàn về các vấn đề kinh tế và y tế thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh chóng.
Báo cáo cho biết, hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, việc tổ chức hội nghị này sẽ rất có lợi, đặc biệt về phương diện y tế, bằng cách liên kết với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để cùng làm việc về các phương pháp điều trị, nghiên cứu sản xuất vaccine và về phương diện kinh tế (ổn định nền kinh tế toàn cầu thông qua các biện pháp ngân sách và tiền tệ phối hợp, hỗ trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất).
Tổng hợp