Thế giới đang ở trong cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 khi nền kinh tế toàn cầu vật lộn với ‘cách ly, phong tỏa’, theo thông tin mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
IMF cho biết, kỳ vọng của họ hiện nay là nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 3% vào năm 2020, tệ hơn nhiều so với mức giảm GDP 0,1% được thấy trong cuộc Suy thoái năm 2009. Sự phục hồi kinh tế được xác định trong năm 2021 với dự báo mức tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 5,8%.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho biết trong một báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook) rằng:
Rất có khả năng năm nay nền kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, vượt qua những gì đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước
Gopinath đã mô tả cuộc khủng hoảng Covid-19 là một ‘cuộc phong tỏa lớn hơn bao giờ hết’, và nói với các phóng viên vào thứ Ba rằng, đây là một ‘cuộc khủng hoảng không giống ai’. Tổng chi phí GDP toàn cầu dành cho động thái trên có thể lên tới 9 nghìn tỷ USD, ông Gopinath nói thêm.
Canada dự kiến sẽ bị tổn thương nhiều hơn so với Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản. Theo dự báo từ IMF, họ dự kiến sẽ có một suy giảm tăng trưởng 5,9% ở Mỹ, giảm 7,5% ở 19 nước châu Âu, giảm 6,2% ở Canada, giảm 5,2% cho Nhật Bản và giảm 6,5% tại Vương quốc Anh. Tại Trung Quốc, nơi bắt đầu bùng phát virus, mọi thứ có vẻ lạc quan hơn một chút khi IMF ước tính sẽ thấy mức tăng trưởng 1,2% trong năm 2020 khi nền kinh tế nước này đang mở cửa trở lại.
Những cảnh báo về thời kỳ khủng khiếp sắp tới đã được nhiều tổ chức quốc tế nhắc lại trong tháng qua, bao gồm Tổ chức Thương mại Thế giới. WTO lo ngại rằng thương mại toàn cầu sẽ suy giảm ở đâu đó trong khoảng từ 13% đến 32% trong năm nay với dự kiến nền kinh tế sẽ đi xuống ‘trong một khoảng thời gian dài’.
Goldman Sachs cho biết họ thấy các nền kinh tế phát triển suy giảm khoảng 35% trong quý II. Mặc dù số lượng các trường hợp nhiễm coronavirus trên toàn thế giới dường như đang lên đến đỉnh điểm, tất cả đều dựa trên sự cô lập xã hội, Goldman nói thêm. Jan Hatzius – nhà kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs bình luận:
Sự cải thiện tình hình dịch bệnh có lẽ là hệ quả trực tiếp của sự xa cách xã hội và sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế, và có thể đảo ngược nhanh chóng nếu mọi người đi làm trở lại.
Đà tăng của vàng đang mạnh hơn bao giờ hết
Đà tăng của vàng trở nên mạnh mẽ hơn vào thứ Ba dựa trên thông báo từ IMF với giao dịch vàng kỳ hạn tháng 6 trên sàn Comex gần mức cao nhất 7,5 năm mới ở mức $1777,70.
Nhiều nhà phân tích vàng đã so sánh mô hình giao dịch hiện tại của kim loại quý với kịch bản tăng giá 2009-2012, dự báo giá vàng cao kỷ lục mới trong vài năm tới. Nhà phân tích thị trường cao cấp của Bloomberg Intelligence, Mike McGlone đã tweet vào thứ Ba rằng:
Khi lịch sử năm 2020 được kể, chúng tôi hy vọng vàng sẽ là người hưởng lợi chính từ các kích thích tiền tệ chưa từng có, vốn thường hỗ trợ giá cổ phiếu. Mức cao mới của vàng trên nhiều loại tiền tệ chính có nghĩa là vàng chạm đỉnh bằng đồng đô la chỉ là vấn đề thời gian.
Vàng chỉ mới bắt đầu xu hướng đi lên của nó, McGlone nói thêm. Ông chỉ ra:
.
Cơn kích thích tiền tệ toàn cầu chưa từng thấy có khả năng giúp cải thiện xu hướng gía lên của quý kim. Vàng vượt trội so với S&P 500 và tỷ lệ giữa hai loại này sẵn sàng trở lại mức trung bình cao hơn.
Scotiabank cũng cân nhắc về điều này, tuyên bố rằng giá vàng có thể chứng kiến sự tăng giá hơn so với giai đoạn cao kỷ lục 2009-2012, nhưng vẫn đưa ra lời cảnh báo. Chiến lược gia hàng hóa của Scotiabank Nicky Shiels đã viết hôm thứ Năm tuần trước rằng:
Thông thường, một nhận định mang tính đồng thuận không sai – giao dịch vàng ngày càng giống như đi theo quỹ đạo ‘Nike-Swoosh’, với sàn ở mức $1450 và có khả năng tăng giá hơn so với đợt tăng giá 2009-2012 (nhưng cũng với thời gian ngắn hơn).
TD Securities cũng đang mong đợi vàng đạt mức cao kỷ lục mới về đồng USD, định giá $2000/oz đối với kim loại quý và làm nổi bật kỳ vọng lạm phát gia tăng là một trong những động lực chính dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn của TD Securities là $1800/oz, tiếp theo là vàng cuối cùng tăng lên $2000/oz. Người đứng đầu chiến lược toàn cầu của TD Bart Melek chia sẻ với Kitco News tuần trước rằng:
Kịch bản này sẽ không thể thành hiện thực chỉ sau 1 đêm. Nhưng khả năng hướng tới mức $2000 là rất lớn. Tôi phải nói rằng: thị trường đang tiến gần đến mục tiêu ngắn hạn $1800 của tôi.
Tuy nhiên, nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn, bạn không được phép quên đi lạm phát, Melek nói thêm. Chiến lược gia chỉ ra:
Bạn phải bắt đầu tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người phá sản. Nguy cơ lớn là có một sự suy giảm tiền tệ hoặc giảm sức mua thông qua môi trường lãi suất thực sự thấp. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự chuyển dịch của tiền sang vàng.
Một dự báo vàng tăng giá khác đến từ chiến lược gia trưởng thị trường của Blue Line Futures, Phillip Streible, người đang dự đoán vàng sẽ đạt trung bình $1750/oz trong quý II, $1850/oz trong quý III và $2000/oz trong quý IV.
Vàng là một trong số ít các khoản đầu tư sinh lợi từ đầu năm đến nay, tăng gần 13% trong 2020. Nhà phân tích cao cấp của FXTM, Lukman Otunuga lập luận:
Vàng đã ở mức giá chưa hề thấy trong hơn 7 năm qua, do sự suy yếu của đồng đô la và nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu. Kim loại quý vẫn còn rất có sức ảnh hưởng. Đà tăng hơn nữa sẽ xuất hiện trong tuần này nếu báo cáo lợi nhuận của các công ty vẽ lên một bức tranh ảm đạm và USD suy yếu vì các dữ liệu kinh tế đáng thất vọng.
Giavang.net