(GVNET) Thị trường vàng trong nước sáng nay diễn biến giảm tương ứng với sự điều chỉnh giảm của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, về cơ bản, giá vàng giảm không quá sốc sau biến động lớn tuần qua
Thị trường vàng miếng
Cập nhật lúc 11h55 ngày 11/11, SJC Hồ Chí Minh niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 81,90 – 85,40 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua và hạ 400 nghìn mỗi lượng chiều bán so với chốt phiên hôm qua.
Doji Hà Nội, Hồ Chí Minh hiện đồng giá mua – bán tại mốc 81,90 – 85,40 triệu đồng/lượng, cũng giảm 100 nghìn chiều mua và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán so với cuối ngày hôm qua.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá mua giảm 200 nghìn, giá bán hạ 400.000 đồng/lượng so với chốt phiên 10/11, giao dịch hiện đứng tại 82,10 – 85,40 triệu đồng/lượng.
Phú Quý điều chỉnh chiều mua giảm 200.000 đồng, chiều bán hạ 400.000 đồng/lượng so với giá chốt chiều qua, giao dịch hiện đứng ở mức 82,10 – 85,84 triệu đồng/lượng
Thị trường vàng nhẫn
Cập nhật lúc 11h55 trưa ngày 11/11, nhẫn SJC niêm yết giao dịch mua – bán tại 81,90 – 84,84 triệu đồng/lượng; giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua và hạ 400 nghìn mỗi lượng chiều bán so với chốt phiên hôm qua.
Vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng thăng long Bảo Tín Minh Châu niêm yết giao dịch mua – bán tại 83,08 – 84,93 triệu đồng/lượng, giảm 340 nghìn chiều mua và hạ 190 nghìn mỗi lượng chiều bán so với ngày hôm qua.
Thị trường vàng thế giới tiếp đà đi xuống
Sau khi thiết lập tuần giảm mạnh nhất nhiều tháng, giá vàng khởi động phiên thứ Hai trong trạng thái đi xuống khi lực cầu chưa xuất hiện. Việc các quỹ tín thác vàng chốt lời, bán ra kim loại quý sau giai đoạn gom mua cũng làm trầm trọng thêm áp lực bán.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì về điều hành thị trường vàng
Sáng 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV.
Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội tập trung chất vấn: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.
Trả lời chất vấn các đại biểu về bình ổn giá vàng và thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, theo đó, giá vàng trong nước cũng diễn biến tăng cao.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa can thiệp. Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu. Song trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp qua 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước và Công ty SJC. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu/lượng.
Chỉ rõ diễn biến vàng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng.
Giavang.net