Thế giới ghi nhận hơn 22,5 triệu người nhiễm nCoV, hơn 789.000 người chết, khi WHO cảnh báo thế giới còn cách miễn dịch cộng đồng rất xa.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 22.526.740 ca nhiễm và 789.147 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 250.454 và 6.185 ca sau 24 giờ, trong khi 15.266.070 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.694.679 ca nhiễm và 176.165 người chết, tăng lần lượt 42.615 và 1.245 ca so với một ngày trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phủ liên bang sẽ cung cấp tới 125 triệu khẩu trang có thể tái sử dụng cho các học khu trên khắp Mỹ, đồng thời thúc giục các bang cho phép học sinh quay lại trường, bất chấp cảnh báo cần thận trọng của giới chức y tế. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trẻ em nhiễm nCoV ít có triệu chứng nặng, nhưng nghiên cứu mới cho thấy nhóm này vẫn có khả năng lây truyền virus.
Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 111.100 sau khi ghi nhận thêm 1.081 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 44.780 trong 24 giờ qua, lên 3.456.652.
Brazil tham gia vào nhiều cuộc thử nghiệm vaccine. Giới chức chính phủ hy vọng có thể bắt đầu tiêm phòng Covid-19 cho một số người dân Brazil trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, thời điểm chính xác phụ thuộc vào kết quả những nghiên cứu đang được tiến hành và quy trình phê duyệt của cơ quan quản lý tại địa phương.
Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh và là vùng dịch lớn thứ ba khu vực, báo cáo 531.239 ca nhiễm và 57.774 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 5.506 và 751 trường hợp. Giới chức Mexico cho biết nước này cần khoảng 200 triệu liều vaccine Covid-19 và có thể bắt đầu tiêm cho người dân từ tháng 4/2021.
Mexico nói với Moskva ngày 19/8 rằng họ muốn tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba cho vaccine Sputnik V do Nga sản xuất.
Chile ghi nhận 388.855 ca nhiễm và 10.546 ca tử vong, tăng lần lượt 1.353 và 33 trường hợp so với hôm trước. Chile dỡ phong tỏa trung tâm thủ đô từ 17/8, sau khi đã dỡ phong tỏa ở các khu vực ngoại ô phía đông và phía nam hai tuần trước. Thị trưởng Santiago Felipe Alessandri khuyến cáo người dân vẫn nên ở trong nhà, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thường xuyên rửa tay.
Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 596.060 ca nhiễm và 12.423 ca tử vong, tăng lần lượt 3.916 và 159 ca.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 117 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 15.989. Số ca nhiễm tăng thêm 4.828, lên 937,321. Tình hình dịch bệnh tại Nga dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.
Bộ Y tế Nga cuối tuần qua thông báo quá trình sản xuất vaccine phòng chống nCoV do Viện Nghiên cứu Khoa học về Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya phát triển đã bắt đầu.
Giới chức Nga cho hay họ có khả năng sản xuất tới 500 triệu liều vaccine Sputnik V trong 12 tháng tới. Quy trình sản xuất dự kiến cũng được tiến hành ở nước ngoài và các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba sẽ sớm triển khai ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Arab Saudi và Philippines.
Tây Ban Nha ghi nhận 387.985 ca nhiễm, tăng 3.715 trường hợp trong khi ca tử vong tăng 127 ca lên 28.797. Sau một thời gian yên bình, nước này lại đang dẫn đầu về số ca nhiễm mới ở châu Âu trong vài tuần qua sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
Số người chết tại Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, đã vượt 20.000, ở mức 20.125 sau khi ghi nhận thêm 153 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.444, lên tổng cộng 350,279 ca. Đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 tại Trung Đông, với những số liệu bị nghi ngờ về tính chính xác.
Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 69.196 ca nhiễm và 980 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.835.822 và 53.994.
Trung Quốc chưa công bố số liệu.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 173.774 ca nhiễm và 2.795 ca tử vong, tăng lần lượt 4.650 và 111 ca. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 18/8 quyết định nới phong tỏa đối với thủ đô Manila và 4 vùng lân cận Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan sau khi lệnh phong tỏa hai tuần để ngăn Covid-19 hết hiệu lực.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 144.945 ca nhiễm, tăng 1.902 trường hợp so với hôm trước, trong đó 6.346 người chết, tăng 69 ca.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 56.031 người nhiễm, tăng 93 ca, và 27 người chết vì nCoV. Singapore hai tuần trước hoàn tất xét nghiệm lao động nhập cư sống trong ký túc xá và đang tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.
Tính đến sáng nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 994 ca. Hơn 83.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện gần 2.000 người, tại cơ sở tập trung hơn 20.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khẳng định thế giới còn cách miễn dịch cộng đồng rất xa. Ông khẳng định ngăn chặn các ổ dịch lây lan trong cộng đồng là chìa khóa để đối phó Covid-19.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng tình trạng các nước đặt lợi ích riêng lên trên hết trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine Covid-19 khiến đại dịch tồi tệ hơn.
“Việc chia sẻ nguồn cung ứng hữu hạn một cách có chiến lược trên phạm vi toàn cầu thực sự là vì lợi ích của mỗi quốc gia. Không ai được an toàn cho đến khi tất cả an toàn”, ông phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 18/8, kêu gọi chấm dứt “chủ nghĩa dân tộc vaccine”.
Tổng hợp