Nhận định này được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo khoa học “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2019”, do Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng 4/7 tại Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, xăng dầu và điện là các yếu tố tác động mạnh mẽ đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2019. Trong khi việc tăng giá lẻ điện bình quân 8,36% vào ngày 20/3/2019 được cho là nhân tố tác động mạnh đến tăng trưởng và lạm phát năm nay, thì giá xăng dầu lại có ảnh hưởng ngược lại, làm giảm CPI và hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Góp vào mức tăng thấp này, giá xăng dầu dầu giảm 3,55% đã tác động giảm 0,15% CPI chung.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt ngày 20/3 vừa qua cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng trong quý II/2019 do thời tiết nắng nóng, đã làm cho giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,84% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về tình hình giá xăng dầu 6 tháng còn lại của năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng lớn từ biến động địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, theo dự đoán của các tổ chức dầu, rất có thể giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ vào cuối năm.
Phân tích về diễn biến của thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2019, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, các yếu tố tác động đến CPI, ngoài yếu tố thị trường, còn yếu tố điều hành của Chính phủ.
Theo ông Long, Chính phủ theo dõi sát sao những diễn biến thị trường, giá cả trong nước và quốc tế, Ban điều hành giá cũng theo dõi để kịp thời đưa ra các kịch bản về lạm phát nhằm tham mưu cho Chính phủ trong điều hành giá cả nhằm kiểm soát lạm phát.
Theo TGTT