Những yếu tố tác động trái chiều đã và đang khiến giá vàng ngắn hạn có thể vẫn tiếp tục tích lũy.
Sau khi mở cửa ở mức 1.513USD/oz trong đầu tuần này, giá vàng đã tăng vọt lên mức 1.535USD/oz do tình hình căng thẳng ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, sau đó giá vàng lại giảm xuống vùng 1.500USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng điều chỉnh giảm từ mức 42,7 triệu đồng xuống mức 42,2 triệu đồng/lượng. Theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp, lượng giao dịch vàng trong những ngày gần đây có chiều hướng suy giảm; lực mua không lớn, trong khi áp lực bán ra mạnh hơn khi giá vàng lên sát vùng 43 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng điều chỉnh giảm trở lại là do Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại sớm hơn dự kiến, bởi vì Trung Quốc đã quay trở lại mua nông sản của Mỹ, kể cả thịt lợn và thịt bò.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ- Trung sẽ không đơn giản, vì 2 quốc gia này còn quá nhiều bất đồng. Hơn nữa, đây không đơn thuần là tranh chấp thương mại, mà là cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa 2 nước. “Việc ông Trump tuyên bố sớm đạt thỏa thuận với Trung Quốc có vẻ như đang muốn trấn an thị trường tài chính, bởi các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm quá mạnh vì chiến tranh thương mại trong thời gian qua”, ông Kyle Rodda, chuyên gia phân tích cao cấp của IG Markets nhận định.
Bên cạnh đó, giá vàng cũng chịu áp lực điều chỉnh sau khi ông Charles Evans, Chủ tịch FED Chicago cho biết những đợt cắt giảm lãi suất của FED trong thời gian qua chỉ là sự điều chỉnh chính sách giữa kỳ, chứ không phải là bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Xét những số liệu kinh tế Mỹ được công bố trong thời gian qua, thì có thể thấy lời bình luận của ông Charles Evans cũng có lý, vì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức 3,7%- mức thấp nhất trong gần 50 năm qua; GDP quý 2 ở mức 2%, dù đã giảm so với mức 3,1% trong quý 1, nhưng vẫn ở mức tích cực; các chỉ số PMI dịch vụ và sản xuất công nghiệp vẫn ở trên mức 50 điểm…
Ngoài ra, nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc và Ấn Độ- 2 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đã sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Trong đó, lượng vàng nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt hơn 75 tấn, trong khi lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ giảm tới 73% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 30 tấn. Điều này cũng phần nào làm dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, tình căng thẳng giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên lề kỳ họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ muốn có cuộc đàm phán song phương với Iran để đạt được kết quả có lợi cho cả 2 bên. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết quốc gia này không chịu sức ép nào và khẳng định chỉ tiến hành đàm phán khi Mỹ dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt đối Iran. “Sự kiên nhẫn của Iran chỉ có giới hạn”, ông Hassan Rouhani nhấn mạnh.
Căng thẳng vùng Vịnh, triển vọng chưa rõ ràng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung vào đầu tháng 10 tới, cộng với việc Hạ viện Mỹ tiến hành cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump… vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng.
Ông George Gero, Giám đốc điều hành của Tập đoàn quản lý tài sản RBC cho rằng, việc điều chỉnh giá vàng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, vì các yếu tố bất ổn kinh tế, chinh trị vẫn còn lớn. “Trong ngắn hạn, giá vàng có thể sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 1.480- 1.550USD/oz với triển vọng lên tới 1.600USD/oz nếu cuộc đàm phán Mỹ- Trung thất bại trong đầu tháng 10 tới”, ông George Gero nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đi theo mô hình Đầu- Vai. Theo đó, nếu vượt qua mức 1.535USD/oz (vai), thì sẽ tiếp tục thách thức với mức 1.567USD/oz. Ngược lại, giá vàng sẽ điều chỉnh trở lại, với 1.480USD/oz (cổ) là mức hỗ trợ quan trọng. Trong khi đó, các chỉ số MACD, ADX, Stochastic, RSI… vẫn tiếp tục cho thấy giá vàng đang điều chỉnh, củng cố ngắn hạn.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp