Phiên điều trần của Chủ tịch FED Powell trước Quốc hội Mỹ về chính sách tiền tệ trong tuần từ 8- 12/7 có thể sẽ tác động mạnh đến xu hướng giá vàng ngắn hạn.
Điều chỉnh mạnh cuối tuần
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.405USD/oz, giá vàng quốc tế giảm xuống mức 1.381USD/oz, rồi lại tăng lên mức 1.438USD/oz, sau đó lại giảm xuống mức 1.381USD/oz và đóng cửa ở mức 1.398USD/oz. Như vậy, giá vàng đã giảm khoảng gần 0,8% so với mức giá đóng cửa của cuối tuần qua.
Trong khi đó tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm mạnh từ mức 38,6- 39,1 triệu đồng/lượng xuống mức 38- 38,3 triệu đồng/lượng, sau đó lại phục hồi lên mức 39,1- 39,6 triệu đồng/lượng, rồi lại giảm xuống mức 38,5- 38,9 triệu đồng/lượng vào phiên cuối tuần.
Sở dĩ giá vàng điều chỉnh mạnh vào phiên cuối tuần này là do số liệu kinh tế của Mỹ trong tháng 6/2019 được công bố khả quan hơn nhiều so với dự kiến và kỳ trước. Theo đó, số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ đạt mức 224.000 việc làm, so với mức dự kiến 162.000 việc làm và kỳ trước là 72.000 việc làm. Dù tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 3,6% lên mức 3,7%, nhưng vẫn ở mức thấp trong gần 50 năm qua. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tiền lương hàng năm vẫn ở mức 3,1%.
Các số liệu nói trên cho thấy, thị trường lao động của Mỹ chưa tới mức đáng lo ngại để FED phải cắt giảm ngay lãi suất trong cuộc họp trong tháng 7 này.
Mặc dù vậy, theo khảo sát của CME Fedwatch Tool, hiện vẫn có tới 95,1% khả năng FED sẽ cắt giảm 25 điểm phần trăm lãi suất xuống 2- 2,25% trong cuộc họp ngày 31/7 tới. Trong khi chỉ có 4,9% khả năng FED cắt giảm 50 điểm phần trăm lãi suất xuống 1,75- 2% trong cuộc họp nói trên.
Ông Andrew Hunter, chuyên gia cao cấp của Tập đoàn Capital Economics cho rằng, với số liệu việc làm của Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực, ít có khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng này, mà chỉ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 sắp tới.
Ngoài ra, giá vàng chịu áp lực điều chỉnh trong phiên cuối tuần này do ông Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cho biết, quốc gia này sẽ tăng thuế nhập khẩu vàng từ 10% lên mức 12,5% nhằm góp phần giảm thâm hụt thương mại của quốc gia này. Động thái này khiến các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu vàng ở quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới này sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Bởi việc tăng thuế nhập khẩu vàng sẽ khiến giá vàng tại quốc gia này cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế, nhất là trong điều kiện giá vàng quốc tế đang ở mức cao như hiện nay.
Yếu tố hỗ trợ vẫn còn
Mặc dù giá vàng đã chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn, nhưng các yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng trong dài hạn vẫn còn, như bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác, OPEC cắt giảm sản lượng dầu mỏ…
Một điều đáng chú ý là, theo Commerzbank, việc thị trường kỳ vọng FED và ECB cắt giảm lãi suất đang khiến lợi suất trái phiếu giảm mạnh ở cả Mỹ và khu vực châu Âu. Theo đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2- 5 năm đã âm, trong khi lợi suất trái phiếu nhiều kỳ hạn, kể cả kỳ hạn 15 năm của Đức và một số quốc gia khác ở châu Âu cũng đã âm. “Trên toàn thế giới, số lượng trái phiếu trị giá khoảng 13,4 nghìn tỷ USD có lợi suất âm, vượt quá mức kỷ lục vào tháng 6/2016. Điều này đã và đang khiến các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ các tài sản an toàn, như vàng…”, Commerzbank nhận định.
Ông John Caruso, chuyên gia chiến lược của Tập đoàn RJO Futures cho rằng trong ngắn hạn, giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, nhưng vẫn tăng trong dài hạn. Do đó, các nhà đầu tư vẫn có thể xem xét mua vàng ở mức 1.360- 1.380USD/oz nếu những yếu tố hỗ trợ giá vàng dài hạn vẫn được duy trì.
Trong tuần tới, Chủ tịch FED Powell sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về chính sách tiền tệ vào ngày 9 và 10/7. Bên cạnh đó, FED cũng công bố biên bản cuộc họp tháng 6/2019 vào ngày 10/7. Nếu FED vẫn giữ quan điểm tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế Mỹ để điều chỉnh lãi suất, thì sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng. Ngược lại, FED cho rằng sẽ cắt giảm lãi suất, thì sẽ giúp giá vàng phục hồi trở lại trong ngắn hạn.
Ngoài ra, ngày 11/7, Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 6, dự kiến tăng 0,2%. Dù CPI không được FED quan tâm nhiều bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) để đo lường áp lực lạm phát của Mỹ, nhưng nếu chỉ số này suy giảm mạnh, thì sớm hay muộn FED cũng sẽ cắt giảm lãi suất.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng đang có xu hướng điều chỉnh, tích lũy ngắn hạn, nhưng vẫn duy trì xu hướng tăng giá trung và dài hạn. Theo đó, nếu không trụ vững trên 1.380USD/oz, thì giá vàng có thể xuống 1.348- 1.373USD/oz, kế tiếp là 1.313- 1.326USD/oz. Trong khi đó mức kháng cự mạnh vẫn ở 1.446USD/oz, kế tiếp là 1.462- 1.491USD/oz.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 8-12/7, trong số 16 chuyên gia phân tích của phố Wall, có 8 người (50%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 4 người (25%) dự báo giá vàng sẽ giảm và 4 người (25%) dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, trong số 721 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 470 người (65%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 144 người (20%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 107 người (15%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp