Vòng đàm phán thương mại Mỹ- Trung lần thứ 13 vào ngày 10/10 tới có thể sẽ tác động mạnh đến xu hướng giá vàng ngắn hạn.
Trong tuần này, sau khi giảm mạnh xuống mức 1.456USD/oz, giá vàng quốc tế đã nhanh chóng phục hồi trở lại lên trên 1.500USD/oz. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tại thị trường vàng Việt Nam cũng đã phục hồi từ mức hơn 41 triệu đồng/lượng lên tới 42 triệu đồng/lượng.
Giá vàng phục hồi trở lại là do các số liệu kinh tế Mỹ tháng 9 được công bố trong tuần này kém tích cực, đặc biệt là các số liệu về sản xuất và dịch vụ. Các số liệu về việc làm cũng không mấy khả quan, dù tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3,5%- mức thấp nhất kể từ tháng 12/1969, nhưng số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) chỉ đạt 136.000 việc làm, thấp hơn mức dự kiến 145.000 việc làm và kỳ trước là 168.000 việc làm. Trong khi đó, thu nhập bình quân theo giờ lại không tăng trong tháng 9.
Tất cả những số liệu nói trên cho thấy, kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục đà suy giảm. Ngay cả ông Eric Rosengren, Thống đốc FED Boston cũng thừa nhận điều này khi nhận định tăng trưởng kinh tế Mỹ trong 6 tháng cuối năm có thể chỉ đạt mức 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái (mức tăng trưởng kinh tế Mỹ trong 6 tháng đầu năm là 2,55%).
Với diễn biến ngày càng xấu đi của kinh tế Mỹ, FED sẽ khó cưỡng lại được việc tiếp tục cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế, dù cơ quan này vẫn nhiều lần khẳng định việc cắt giảm lãi suất vừa qua chỉ là sự điều chỉnh chính sách tiền tệ giữa kỳ.
Bởi vậy, nhiều khả năng FED sẽ phải cắt giảm thêm 25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản trong cuộc họp cuối tháng này, thậm chí tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 12 tới nếu cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung vào ngày 10/10 tới đây lại rơi vào bế tắc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ quan điểm cô lập và kìm chế Trung Quốc thì hai bên khó đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời mà Trump tuyên bố trước đó. Bởi Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ mọi yêu cầu của Mỹ, vì điều này sẽ phá vỡ chiến lược mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Hơn nữa, đàm phán Mỹ- Trung diễn ra trong bối cảnh Trump đang bị điều tra luận tội và bước vào cuộc đua tái tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 vào năm 2020, nên Trung Quốc càng có lý do để không nhượng bộ quá nhiều đối với Mỹ.
Tuy nhiên, ông Allan von Mahren, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Danske (Đan Mạch) cho rằng cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều đang trên đà suy giảm mạnh, nhất là kinh tế Trung Quốc có nguy cơ rơi vào suy thoái trầm trọng, nên trong vòng đàm phán sắp tới, Trung Quốc có thể sẽ phải nhượng bộ Mỹ bằng cách mua thêm nông sản và một số hàng hóa khác của Mỹ để tiến tới cân bằng cán cân thương mại với Mỹ. Đổi lại, Trump sẽ tạm hoãn tăng thuế với Trung Quốc như dự kiến vào ngày 15/10 và 15/12 tới. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ- Trung chưa thể kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
Trong đầu tuần tới, trước khi diễn ra đàm phán thương mại Mỹ- Trung, giá vàng có thể sẽ tiếp tục xu hướng điều chỉnh, củng cố. Nếu vòng đàm phán thương mại Mỹ- Trung sắp tới bị đổ vỡ, thì giá vàng sẽ tăng mạnh trở lại. Trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận Mỹ tạm hoãn tăng thuế với Trung Quốc vào 15/10 và 15/12 như dự kiến, giá vàng có thể sẽ giảm, nhưng không quá sâu, vì chiến tranh thương mại vẫn tiềm ẩn rủi ro bùng phát trở lại.
Theo phân tích kỹ thuật, mức 1.456USD/oz đang là mức hỗ trợ quan trọng, kế tiếp là mức 1.433USD/oz. Nếu giá vàng vẫn trụ vững trên 1.433USD/oz, thì vẫn duy trì được đà tăng trung và dài hạn, và sẽ tiếp tục thách thức vùng 1.520- 1.535USD/oz, sau đó là mức kháng cự quan trọng 1.567USD/oz.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 7-11/10, trong số 17 chuyên gia phân tích của phố Wall, có 12 người (71%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 3 người (18%) dự báo giá vàng sẽ giảm; và 2 người (12%) dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, trong số 679 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 446 người (65%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 145 người (21%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 88 người (13%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp