Diễn biến dịch cúm COVID-19 vẫn sẽ tác động mạnh đến nhu cầu đầu tư vàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng áp lực chốt lời.
Chạm đỉnh cao 7 năm
Giá vàng quốc tế đã bứt phá ngoạn mục trong tuần này khi tăng mạnh từ mức 1.578USD/oz lên tới tận 1.650USD/oz, tăng 4,5%- mức cao nhất trong 7 năm qua, và đóng cửa ở mức 1.643USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tại thị trường vàng Việt Nam cũng tăng rất mạnh theo đà tăng của giá vàng thế giới khi tăng từ mức 44,4 triệu đồng/lượng lên tới tận 46,05 triệu đồng/lượng, tăng 3,7%. Theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, khối lượng giao dịch vàng tăng đột biến, trong đó khối lượng bán ra cũng chiếm tỷ trọng khá lớn.
Sở dĩ giá vàng tăng mạnh là do dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khiến các nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh sẽ làm cho kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, nên đổ xô đi mua vàng làm nơi trú ẩn an toàn. Trong khi thế giới chưa sản xuất được vắc xin và thuốc đặc trị virus COVID-19, thì dịch bệnh này có xu hướng lan rộng ra toàn cầu. Đáng chú ý, số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc đã tăng gấp 6 lần chỉ trong 4 ngày qua lên tới mức 346 người. Ngoài ra, Nhật Bản cũng ghi nhận tới 117 ca nhiễm virus COVID-19…
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã nới lỏng tiền tệ, trong đó NHTW Trung Quốc vừa cắt giảm 1 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 1 năm xuống 4,05% và 0,5% điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 5 năm xuống 4,75%… Điều này cũng làm tăng sự hấp dẫn của vàng, đồng thời làm dấy lên lo ngại sẽ thổi bùng áp lực lạm phát sau khi dịch bệnh được khống chế.
Ngoài ra, dù Mỹ tuyên bố ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng các số liệu kinh tế được công bố kém khả quan. Trong đó, chỉ số dịch vụ PMI tháng 1 chỉ đạt 49,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013, cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đang suy giảm mạnh. Trong khi lĩnh vực công nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2020 chỉ đạt khoảng 2%, thậm chí thấp hơn nếu vẫn chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Do đó, FED có thể sẽ phải tính đến chuyện tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản.
Cẩn trọng áp lực chốt lời
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến các nhà đầu tư tìm tới các tài sản trú ẩn an toàn, như trái phiếu, vàng… Điều này khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục 1,889%. Đặc biệt, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm lại đảo chiều âm 0,1%- một hiện tượng từng diễn ra trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.
Chỉ có điều lần đảo ngược lợi suất trái phiếu này diễn ra trong môi trường lãi suất thấp, trong khi lần đảo ngược trước khủng hoảng 2007-2008 trong điều kiện lãi suất cao. Dù vậy, đây vẫn là tín hiệu cho thấy sự lo ngại của các nhà đầu tư về nguy cơ bất ổn kinh tế toàn cầu. Và nhu cầu mua các tài sản an toàn, như vàng… sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa nếu dịch bệnh COVID-19 chưa được khống chế.
Trong tuần tới, những thông tin về dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục tác động mạnh đến giá vàng. Ngoài ra, Mỹ công bố một số chỉ số kinh tế quan trọng, như chỉ số niềm tin tiêu dùng, cán cân thương mại, chỉ số chi tiêu tiêu dùng (PCE) dự kiến vẫn ở mức khoảng 1,6-1,7%, GDP quý 4/2019 sửa đổi lần cuối dự kiến tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018… Nếu GDP tăng thấp hơn dự kiến và PCE tăng cao hơn nhiều so với dự kiến, sẽ khiến FED phải cân nhắc cắt giảm tiếp lãi suất cơ bản và điều này sẽ tác động tích cực đến giá vàng và ngược lại.
Ông Daniel Ghali, Chuyên gia phân tích chiến lược của TD Securities, cho rằng nhu cầu đầu tư vàng vẫn tiếp tục tăng mạnh nếu dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Điều này có thể sẽ đẩy giá vàng tăng lên mức 1.680- 1.700USD/oz trong tuần tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cẩn trọng áp lực chốt lời khi có những thông tin tích cực, như số ca nhiễm virus COVID-19 giảm, tìm ra vắc xin và thuốc đặc trị dịch bệnh này. “Sự điều chỉnh của giá vàng do áp lực chốt lời cũng là cần thiết để giá vàng tăng vững chắc hơn”, ông Ghali nhấn mạnh.
Đáng chú ý trong báo cáo vừa công bố, Citigroup đã đưa ra dự báo giá vàng có thể đạt mức trung bình 1.700USD/oz trong 6- 12 tháng tới và 2.000USD/oz trong 12- 24 tháng tới.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, Stochastic, RSI, ADX… vẫn cho thấy đà tăng của giá vàng. Đặc biệt, giá vàng đã tăng vượt ra khỏi kênh tăng giá trung hạn tính từ tháng 8/2018. Trong khi đó, một số chỉ số đã cho thấy tín hiệu vượt mua, nên giá vàng có nguy cơ đối mặt áp lực chốt lời ngắn hạn. Theo đó, nếu vượt qua 1.670USD/oz, thì giá vàng có thể tăng lên tiếp vùng 1.682- 1.695USD/oz, kế tiếp là vùng 1.700USD/oz. Ngược lại, giá vàng có thể điều chỉnh về 1.610- 1.623USD/oz, kế tiếp là 1.574- 1.580USD/oz trước khi tăng trở lại.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 24- 28/2, trong số 15 chuyên gia phân tích của phố Wall, có 14 người (93%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 1 người (7%) dự báo giá vàng sẽ giảm, và không có ai dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, trong số 1.121 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 820 người (73%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 192 người (17%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 109 người (10%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp