Chủ tịch FED vẫn khẳng định sẽ tiếp tục có thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa sau khi tạm ngừng tăng lãi suất.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC theo niêm yết của DOJI chỉ đi ngang xoay quanh mức 67 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng quốc tế đã giảm trong tuần này do nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Trong một động thái bất ngờ, Ngân hàng trung ương Anh đã tăng lãi suất cơ bản từ 4,5% lên 5%. Đây là lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 2/2023, đưa lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Đồng thời, ngân hàng trung ương của Na Uy đã tăng thêm 50 điểm lãi suất và ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tăng thêm 25 điểm lãi suất. Đặc biệt, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất thêm 6,5% lên 15%.
Đáng chú ý, dù FED đã tạm ngừng tăng lãi suất, nhưng trong phiên điều trần thứ 2 trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED vẫn tỏ thái độ “diều hâu” khi cảnh báo FED sẽ tiếp tục có thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.
“Nếu nền kinh tế như mong đợi, có lẽ sẽ thích hợp để tăng lãi suất 2 lần nữa trong năm nay. Chúng tôi tạm dừng tăng lãi suất để có thêm thời gian đưa ra những quyết định này. Chúng tôi cam kết kiểm soát lạm phát”, ông Powell nhấn mạnh.
Trong nỗ lực “hạ nhiệt” lạm phát, các ngân hàng trung ương đang ráo riết tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Họ hy vọng có thể hạ nhiệt lạm phát trước khi đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Tuy nhiên, có rất nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích cho rằng kế hoạch “hạ cánh mềm” của nhiều ngân hàng trung ương là hơi quá lạc quan. Ngay cả các ngân hàng trung ương cũng thừa nhận rằng chính sách tiền tệ không phải là một công cụ vạn năng.
Trong lịch sử thực hiện chính sách tiền tệ, việc FED tăng lãi suất sau khi tạm dừng là điều hiếm thấy. “Sau khi tạm dừng tăng lãi suất, FED luôn cắt giảm lãi suất. Ngay cả khi ông Paul Volcker giữ chức Chủ tịch FED, chính sách này vẫn như vậy,” ông Millman, Chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins, nhấn mạnh.
Bối cảnh hiện nay có vẻ hơi khác khi kinh tế Mỹ đã và đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, trong khi lạm phát cơ bản vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu của FED. Do đó, việc tạm dừng lãi suất của FED có thể sẽ kéo dài hơn trước khi cắt giảm lãi suất để đợi chính sách tăng lãi suất trước đây thẩm thấu vào nền kinh tế.
Ông Bill Diviney, chuyên gia kinh tế học cấp cao của ABN AMRO cũng cho rằng: “Hiện tại, suy thoái kinh tế bị trì hoãn đồng nghĩa với việc FED bắt đầu cắt giảm lãi suất muộn hơn. Chúng tôi kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất của FED sẽ bắt đầu vào tháng 3/2024, muộn hơn một quý so với kỳ vọng trước đó vào tháng 12/2023 của chúng tôi.”
Trong vài tuần tới, thị trường vàng sẽ theo dõi cẩn trong xem các dữ liệu vĩ mô, đặc biệt là báo cáo về lao động và lạm phát, có ủng hộ quan điểm của FED về 2 đợt tăng lãi suất nữa hay không.
Dù thế nào thì trong ngắn hạn giá vàng có thể vẫn sẽ điều chỉnh, tích lũy, chứ chưa thể tăng mạnh. Bởi, hiện nay đang là mùa thấp điểm tiêu thụ vàng vật chất. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn đang hỗ trợ giá vàng không bị giảm sâu.
Xét về mặt kỹ thuật, triển vọng giá vàng ngắn hạn cũng có vẻ không được tốt sau khi giá vàng giảm xuống dưới mức trung bình động 100 ngày, tương ứng khoảng 1.940/oz.
Ông Everett Millman cũng cho rằng, giá vàng giảm xuống dưới mức trung bình động 100 ngày là tín hiệu cho thấy chúng ta sẽ còn còn chứng kiến nhiều mức thấp hơn nữa trong ngắn hạn. Mức kháng cự đối với giá vàng tuần tới là 1.940 USD/ounce, trong khi mức hỗ trợ của giá vàng tuần tới là 1.900 USD và sau đó là 1.880 USD.
Tuy nhiên về dài hạn, giá vàng vẫn được nhiều chuyên gia nhận định sẽ còn tăng mạnh, giá vàng quay trở lại trên 2.000 USD/oz chỉ là vấn đề về thời gian.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp