Quyết định chính sách tiền tệ của ECB trong cuộc họp ngày 10/9 sắp tới có thể sẽ tác động mạnh đến giá vàng tuần tới.
Đúng như dự báo, các số liệu việc làm tháng 8 của Mỹ được công bố trong tuần này đều ở mức khả quan, trong đó đáng chú ý số liệu việc làm phi nông nghiệp dù thấp hơn kỳ trước, nhưng vẫn đạt 1.371.000 việc làm như dự kiến, và tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh xuống chỉ còn 8,4%. Đặc biệt, tiền lương trung bình hàng giờ vẫn tăng trưởng 0,4% trong tháng 8.
Các số liệu trên cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục có xu hướng phục hồi trở lại bất chấp dịch bệnh COVID-19. Điều này đã đẩy USD index đã tăng từ 92,7 điểm lên 93,1 điểm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng từ 0,62% lên 0,72%; đồng thời khiến giá vàng quốc tế chịu áp lực giảm từ 1.947USD/oz xuống 1.916USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã có cú điều chỉnh theo giá vàng quốc tế. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã giảm từ 57,6 triệu đồng/lượng xuống 56,6 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, lực mua bắt đáy giá vàng trong nước không đáng kể, do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn.
Dù thị trường lao động Mỹ nói riêng và kinh tế Mỹ nói chung đã có tín hiệu phục hồi tích cực, được thể hiện qua các số liệu kinh tế được công bố vừa qua, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để làm thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ mà Chủ tịch FED đã đề cập tại Hội nghị Jackson Hole vừa qua. Do đó, áp lực lạm phát tăng cao vẫn sẽ làm giảm giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng thời hỗ trợ tích cực cho giá vàng trong dài hạn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá vàng vẫn có thể điều chỉnh, tích lũy dưới tác động của các số liệu kinh tế Mỹ, cũng như diễn biến dịch COVID-19, vaccine phòng ngừa COVID-19, kể cả xung đột Mỹ- Trung và các chính sách của các nền kinh tế lớn khác…
Trong tuần tới, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 10/9 tới. Mọi quyết định của ECB về chính sách tiền tệ sẽ tác động trực tiếp đến đồng EUR, qua đó tác động đến USD và giá vàng.
ECB đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 0% từ năm 2016. Thế nhưng, EUR lại đang có xu hướng tăng mạnh so với USD do FED cắt giảm lãi suất xuống gần 0% và nới lỏng định lượng không giới hạn. Trong tuần này, cặp tỷ giá EUR/USD đã có thời điểm lên tới 1,200- mức cao nhất trong hơn 2 năm qua. EUR đã tăng giá 12% kể từ tháng 3/2020 đến nay.
EUR tăng mạnh không hẳn có lợi cho khu vực Eurozone vốn phục thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Hơn nữa, EUR mạnh sẽ khiến đà giảm lạm phát của khu vực càng mạnh hơn. Điều này không tích cực trong bối cảnh kinh tế khu vực này liên tục tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm nay (GDP quý 1 âm 3,6% và GDP quý 2 âm 12,1%).
Tuy nhiên, chính sách lãi suất của ECB đã gần như đã hết dư địa điều chỉnh. Trên thực tế, ECB có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống mức âm, nhưng điều này không hỗ trợ cho kinh tế khu vực trong bối cảnh hiện nay. Do đó, nhiều khả năng ECB sẽ tiếp tục tăng quy mô Chương trình mua trái phiếu chính phủ ứng phó COVID-19 (PEPP). Trước đó trong cuộc họp tháng 6, ECB đã tăng quy mô chương tình thêm 600 tỷ EUR, từ 750 tỷ EUR và gia hạn chương trình này đến giữa năm 2021.
Nếu ECB tiếp tục gia tăng quy mô chương trình PEPP, sẽ khiến EUR giảm so với USD, qua đó giá vàng tuần tới sẽ chịu thêm áp lực điều chỉnh.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số ADX, MACD, RSI… trên biểu đồ tháng vẫn cho thấy tín hiệu tích cực, có nghĩa đà tăng dài hạn của giá vàng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, các chỉ số này trên biểu đồ ngày, tuần lại cho thấy tín hiệu điều chỉnh, tích lũy. Theo đó, nếu vẫn trụ vững trên 1.900USD/oz, thì giá vàng sẽ tiếp tục tích lũy tăng dần hướng tới ngưỡng 2.000USD/oz. Ngược lại, giá vàng có thể giảm xuống 1.860USD/oz, thậm chí 1.810USD/oz (MA100).
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 7-11/9, trong số 1.263 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 738 người (58%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 272 người (22%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 253 người (20%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp