Nếu FED tái khẳng định tiếp tục kéo dài chương trình nới lỏng định lượng (QE) không giới hạn trong cuộc họp ngày 17/9 tới, sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Trong tuần này, giá vàng đã có những biến động khá thất thường. Trong những phiên đầu tuần, giá vàng quốc tế đã giảm xuống mức 1.906USD/oz, nhưng sau đó phục hồi dần trở lại và bứt phá lên mức 1.966USD/oz sau khi NHTW Châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện hành, đưa ra dự báo lạc quan và cho rằng chưa cần can thiệp vào sức mạnh của đồng EUR. Động thái này của ECB đã tiếp tục đẩy EUR tăng so với USD, đồng thời hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Tuy nhiên đến phiên cuối tuần này, USD đã phục hồi trở lại, khiến giá vàng giảm nhẹ xuống mức 1.937USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 1.941USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng biến động theo giá vàng quốc tế khi giảm từ mức 56,7 triệu đồng/lượng xuống 56,1 triệu đồng/lượng ở những phiên đầu tuần. Sau đó, giá vàng miếng SJC lại phục hồi lên mức 56,7 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch vàng vẫn khá thấp.
Vào ngày 17/9 tới, FED sẽ họp chính sách tiền tệ. Tại cuộc họp này, nhiều khả năng FED sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0- 0,25%, và cam kết tiếp tục bơm tiền vào thị trường qua chương trình QE để kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ. Thậm chí FED sẽ áp dụng công cụ kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC) để khống chế chi phí lãi vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Điều đáng chú ý, dù FED đã bơm khối lượng tiền khổng lồ vào thị trường (từ đầu năm 2020 đến nay FED đã bơm hơn 3.000 tỷ USD, được thể hiện qua quy mô bảng cân đối tài sản của FED đã tăng từ khoảng 4.000 tỷ USD lên hơn 7.000 tỷ USD tính đến thời điểm này), nhưng lạm phát của Mỹ gần như tăng không đáng kể. CPI tháng 8/2020 mới chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ như vậy do chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đứt gãy, nên dù FED bơm khối lượng tiền lớn như vậy, thì nguồn tiền này vẫn chủ yếu trú ngụ trong các tài sản tài chính. Trong đó, chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong thời gian qua là minh chứng rõ nhất. Chính điều này đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra bong bóng tài sản tài chính.
Vậy vì sao lạm phát Mỹ thấp, mà giá vàng vẫn tăng mạnh? Sở dĩ như vậy do trước đây trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của các quỹ ETFs, nhưng nay các NHTW giảm mạnh lãi suất, thậm chí xuống mức âm, khiến lợi suất trái phiếu cũng giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục. Do đó, các quỹ này đã chuyển sang nắm giữ các tài sản khác, đặc biệt là vàng. Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong 8 tháng đầu năm nay, các quỹ ETFs đã mua 938 tấn vàng, nâng tổng số vàng nắm giữ lên 3.824 tấn- mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Dù lạm phát ở Mỹ không tăng mạnh, nhưng việc FED nới lỏng định lượng không giới hạn, sẽ khiến lạm phát ở các quốc gia khác tăng mạnh. Cụ thể, thâm hụt thương mại của Mỹ có xu hướng ngày càng tăng. Từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2020, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng từ 37 tỷ USD lên mức hơn 63 tỷ USD. Trong khi đó, tiền giá rẻ của Mỹ cũng sẽ được sử dụng để đầu tư vào các quốc gia khác. Theo đó, NHTW của các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ và đón nhận dòng vốn đầu tư từ Mỹ, sẽ buộc phải in thêm tiền để mua vào USD, khiến áp lực lạm phát tăng lên. Đây cũng chính là lý do mà nhu cầu đầu tư vàng đang có xu hướng tăng ở nhiều quốc gia.
Ông Colin, Chuyên gia ngoại hối, cho rằng FED cam kết kéo dài thời gian duy trì lãi suất thấp và chương trình QE không giới hạn, sẽ càng làm tăng vai trò trú ẩn của vàng, khiến giá vàng tăng mạnh trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá vàng chưa thể tăng mạnh, mà vẫn điều chỉnh, tích lũy, vì USD vẫn có xu hướng tăng do các nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế Mỹ phục hồi.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn duy trì đà tăng dài hạn, nhưng trong ngắn hạn giá vàng vẫn có xu hướng tích lũy. Theo đó, nếu không trụ vững trên 1.918USD/oz (MA50), thì giá vàng tuần tới có thể sẽ xuống sát 1.900USD/oz, thậm chí là vùng 1.823- 1.860USD/oz. Trong khi đó, kháng cự đầu tiên tại 1.963USD/oz, kế tiếp là vùng 2.000- 2.074USD/oz.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp