Áp lực chốt lời đã bắt đầu xuất hiện, khiến giá vàng quốc tế giảm tới 60USD mỗi ounce trong phiên cuối tuần này. Vậy áp lực chốt lời có tiếp diễn trong tuần tới?
Trong tuần này, giá vàng tiếp tục bứt phá mạnh do đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, khiến các quốc gia này phải tiếp tục kéo dài các gói kích thích kinh tế hiện hành, hoặc xem xét tung ra các gói kích thích mới. Trong đó, Mỹ dự kiến tung ra gói kích thích kinh tế mới trị giá 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện các nhà lập pháp Mỹ vẫn đang còn nhiều bất đồng về gói này.
Giá vàng quốc tế đã có thời điểm lên tới mức 2.074USD/oz, nhưng sau đó áp lực chốt lời mạnh mẽ, khiến giá vàng có thời điểm giảm tới 60 USD mỗi ounce xuống mức 2.015USD/oz và đóng cửa ở mức 2.031USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng có thời điểm lên tới trên 62 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó giảm xuống còn 60 triệu đồng/lượng ở phiên cuối tuần này. Đáng chú ý, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 4 triệu đồng/lượng, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu thị trường vàng trong nước đang làm giá? (DĐDN sẽ có bài viết về vấn đề này vào đầu tuần tới).
Sở dĩ giá vàng điều chỉnh trong phiên cuối tuần này do các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đồng loạt chốt lời sau khi các số liệu việc làm tháng 7 của Mỹ khả quan hơn dự kiến. Theo đó, số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) đạt mức 1.763.000 việc làm, cao hơn mức dự báo 1.530.000 việc làm; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 10,2% so với kỳ trước là 11,1%. Đặc biệt, dư nợ tín dụng tiêu dùng của Mỹ tháng 7 đã đạt 8,9 tỷ USD, tăng mạnh so với kỳ trước (- 14,4 tỷ USD), cho thấy người dân Mỹ đã bắt đầu đẩy mạnh chi tiêu bất chấp đại dịch vẫn hoành hành. Đây là đòn bẩy tích cực cho kinh tế Mỹ phục hồi trở lại…
Tuy nhiên, giá vàng quốc tế khó điều chỉnh sâu trong bối cảnh bất ổn hiện nay. Hơn nữa, giá vàng quốc tế luôn song hành cùng chứng khoán tăng liên tục trong thời gian qua (đơn cử như chỉ số Dow Jones đã tăng liên tục từ 25.500 điểm lên tới 27.500 điểm…), nên trước mắt có thể loại bỏ khả năng các nhà đầu tư bán tháo vàng để bù lỗ cho chứng khoán.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng với áp lực chốt lời của các quỹ ETF. Bởi hiện nay họ đang nắm giữ tới hơn 3.750 tấn vàng, một khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thì các quỹ này sẵn sàng bán tháo vàng. Còn nhớ vào năm 2011 khi giá vàng chạm đỉnh cao lịch sử 1.921USD/oz, áp lực chốt lời đã khiến giá vàng giảm tới 400 USD mỗi ounce.
Ông Charlie Nedoss, Chuyên gia chiến lược của Tập đoàn LaSalle Futures, cũng cho rằng giá vàng tăng liên tục trong thời gian qua, nhưng gần như chưa có đợt điều chỉnh sâu nào để tạo nền tảng vững chắc cho đợt tăng tiếp theo. Do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng với đà tăng của giá vàng. “Nếu giá vàng vẫn trụ vững trên 2.011USD/oz, thì có thể sẽ tiếp tục tăng. Ngược lại, giá vàng sẽ bị đẩy xuống dưới 2.000USD/oz, với mức hỗ trợ quan trọng tại 1.937USD/oz”, ông Charlie Nedoss nhận định.
Trong tuần tới, xung đột Mỹ- Trung, thỏa thuận về gói cứu trợ mới của Mỹ sẽ là tâm điểm của thị trường vàng. Trong đó, nếu gói cứu trợ này có nhiều triển vọng được thông qua, sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ công bố nhiều số liệu quan trọng của tháng 7, như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI), doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp… Các số liệu này dự kiến vẫn ở mức khả quan, bởi kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi tích cực trong nửa đầu tháng 7. Do đó, các số liệu này có thể sẽ hỗ trợ tích cực cho USD và tác động tiêu cực cho giá vàng tuần tới.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 10- 14/8, trong số 2.430 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 1.670 người (69%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 433 người (18%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 327 người (13%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp