Nếu không có yếu tố tác động đột biến, giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy trước cuộc họp của FED vào ngày 30-31/7 tới.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.427USD/oz, giá vàng đã tăng nhẹ lên mức 1.429USD/oz, sau đó giảm xuống mức 1.414USD/oz, rồi phục hồi lên vùng 1.420USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng biến động theo xu hướng giá vàng quốc tế, nhưng với mức độ dao động hẹp hơn. Theo đó, giá vàng miếng SJC giảm từ mức 39,45- 39,9 triệu đồng/lượng xuống mức 39,33- 39,63 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng điều chỉnh giảm trong những phiên giao dịch đầu tuần này là do Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã đạt được thỏa thuận với lãnh đạo đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về trần nợ công trong năm tài khóa 2020- 2021. Theo đó, nếu được Quốc hội thông qua, Mỹ sẽ tránh được nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng 9 tới. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho USD, đẩy USD index lên mức tren 97,4 điểm. Ngoài ra, thông tin Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ tới Trung Quốc vào ngày 29/7 tới để đàm phán, giải quyết bất đồng thương mại với Trung Quốc, cũng góp phần xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư về nguy cơ bất ổn kinh tế toàn cầu, qua đó giảm bớt vai trò trú ẩn của giá vàng.
Tuy nhiên, giá vàng hiện vẫn đang được hỗ trợ tích cực bởi một số yếu tố khác, trong đó khả năng FED cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này, dù đã được phản ánh khá nhiều vào giá vàng trong thời gian qua, nhưng vẫn đang hỗ trợ tích cực cho giá kim loại quý này.
Theo khảo sát của CME Fedwatch, hiện có 78,6% khả năng FED sẽ cắt giảm 25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, trong khi chỉ có hơn 21% khả năng FED cắt giảm 50 điểm phần trăm lãi suất vào cuối tháng này.
Ông Stephen Innes, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Vanguard Markets tại Singapore cho rằng, giá vàng đang rất nhạy cảm với những thông tin liên quan đến việc FED cắt giảm lãi suất. “Nếu FED cắt giảm 50 điểm phần trăm lãi suất cơ bản vào cuối tháng này, thì giá vàng có thể vọt lên 1.485USD/oz. Tuy nhiên, nếu cơ quan này trì hoãn cắt giảm lãi suất, thì giá vàng có thể giảm xuống dưới mức 1.400USD/oz, thậm chí là 1.385USD/oz”, ông Stephen Innes nhận định và cho biết thêm, việc FED cắt giảm 25 điểm phần trăm lãi suất gần như ít tác động đến giá vàng, bởi điều này phù hợp với kỳ vọng của thị trường và đã được phản ánh vào giá vàng trong thời gian qua.
Ngoài ra, việc các NHTW đua nhau mua vàng dự trữ cũng đã và đang hậu thuẫn cho đà tăng giá vàng hiện nay.
Theo khảo sát mới đây của Hội đồng vàng Thế giới (WGC), có khoảng 54% số NHTW tham gia cuộc khảo sát này cho rằng sẽ tiếp tục mua vàng dự trữ trong 12 tháng tới để cơ cấu lại danh mục dự trữ quốc gia trong điều kiện USD, EUR đang tiềm ẩn rủi ro sụt giảm.
Trên thực tế, Trung Quốc và Nga là 2 quốc gia đã tham gia tích cực nhất trong việc mua vàng dự trữ, trong đó NHTW Nga đã mua tới 98 tấn vàng từ đầu năm đến nay. Riêng trong tháng 6 vừa qua, NHTW Nga đã mua 18,67 tấn vàng, nâng tổng số vàng dự trữ quốc gia lên mức 2.208 tấn vàng.
Ông Adrian Day, Giám đốc điều hành của Tập đoàn quản lý quỹ Adrian Day cho rằng, ngoài kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất, thì bất ổn địa chính trị ở vùng Vịnh cũng đang là một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá vàng. “Nếu không có yếu tố tác động đột biến, thì giá vàng có thể sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 1.412- 1.454USD/oz trước cuộc họp ngày 31/7 tới của FED”, ông Adrian Day nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, các đường xu hướng trên biểu đồ tuần, tháng vẫn đang tích cực, ngoại trừ chỉ số RSI, Stochastic trên biểu đồ tuần đang ở vùng vượt mua. Đặc biệt, giá vàng đều đang nằm trên vùng mây của biểu đồ Ichimoku ngày, tuần, tháng, cho thấy đà tăng của giá vàng vẫn đang được duy trì. Trong khi đó, các chỉ số kỹ thuật trên biểu đồ ngày vẫn đang cho thấy dấu hiệu tích lũy của giá vàng trong ngắn hạn. Theo đó, nếu vẫn trụ vững trên 1.400USD/oz, thì giá vàng có thể sẽ tiếp tục có cơ hội thách thức với mức 1.454USD/oz (cận trên của kênh tăng giá trên biểu đồ ngày). Ngược lại, giá vàng sẽ điều chỉnh về vùng 1.380USD/oz, kế tiếp là 1.362USD/oz (MA50).
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp