Nếu nền kinh tế phục hồi ổn định trở lại, hãy chuẩn bị tâm lý cho một kịch bản giảm của giá vàng
Giống y như bản chất kim loại của nó, động lực để mua vàng cũng có thể rất khác nhau. Người ta say mê thứ kim loại màu vàng óng vì vẻ đẹp khó tàn phai của nó, hoặc sở hữu nó như một nơi cất giữ giá trị, hoặc vì cả hai. Trang sức là cấu phần ổn định lớn nhất trong nguồn cầu đối với vàng. Nhưng khi vàng tăng vọt mạnh mẽ như hiện nay, nó có lẽ đã mất đi sự hấp dẫn. Điều này có thể báo trước một sự giảm giá.
Nhu cầu cho vàng như một khoản đầu tư đã vượt xa mục đích mua để sản xuất đồ trang sức gấp ba lần trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, đó là chỉ tính cho đến quý trước. Việc chuyển đổi này cho thấy một bong bóng đầu cơ đang được hình thành.
Vàng đã tăng mạnh 27% trong vòng 12 tháng qua, vượt mặt tất cả các loại hàng hóa được giao dịch khác trong năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19 này. Động lực cho sự thúc đẩy giá này đến từ các nhà đầu tư đang có tâm lý lo lắng thi nhau “vợt” lấy vàng, tiền ảo và các quỹ ETF. Trong khi đó, ngành bán lẻ trang sức bị gặp trở ngại lớn do việc các cửa hàng phải đóng cửa và các gia đình phải tạm gác lại đám cưới – một yếu tố thúc đẩy lực mua vàng đặc biệt ở Ấn Độ. Nhưng những vấn đề này sẽ chỉ là tạm thời.
Phía đầu cơ giá sẽ đưa ra vô số lý do để đầu tư vào vàng. Một trong số đó là kim loại này – chủ yếu được giao dịch bằng đồng USD – cho hiệu suất đầu tư rất tốt khi lợi suất thực của Mỹ (điều chỉnh theo lạm phát) giảm. Điều đó đã xảy ra trong năm nay, được phản ánh trong sự sụp đổ của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Kể từ năm 2006, với mỗi 1.00% giảm đi trong lợi suất thực của trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, giá vàng đã tăng khoảng 20%, theo nghiên cứu của Citibank. Sự mất giá của tiền pháp định (fiat currency) do động thái từ các ngân hàng trung ương và tình hình thế giới bất ổn là những lý do khác khiến phe bullish đi gom kim loại này.
Có một lập trường cho rằng hiện tại vàng đang ở trạng thái quá mua (overbought). Lợi nhuận thực mà giá vàng mang lại hàng năm một lần nữa đã tiến tới mức 20 – 25% như trong đợt tăng giá giai đoạn 2008-2011, và sau đó thì vàng quay đầu sụt giảm.
Có lẽ lý do lớn nhất để nghi vấn về đà tăng của vàng là thật quá khó để tìm thấy những người bình luận về một kịch bản giảm giá cho vàng trong những ngày gần đây. Xu hướng bullish của vàng vẫn còn khá “trẻ”, chỉ chưa đầy “2 tuổi”. Nhưng một khi các nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi bền vững hơn, hãy chuẩn bị tinh thần cho sự giảm giá của kim loại này.
Theo Dự báo tiền tệ