Chuyên gia tài chính quốc tế nói với Zing trợ lực đối với giá vàng vẫn còn rất nhiều, nhưng có thể giảm nhẹ trước khi đạt ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng đi lên. Trong phiên giao dịch trên sàn Kitco sáng ngày 13/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ở mức gần 1.803 USD/ounce, tăng 3,4 USD USD/ounce so với đóng cửa tuần.
Như vậy, giá vàng thế giới đã tăng 19% kể từ đầu năm, 27% so với một năm trước. Kim loại quý vượt qua mức cản tâm lý 1.800 USD/ounce, mức cao kỷ lục trong vòng 9 năm. Theo các chuyên gia, hai ngưỡng quan trọng tiếp theo là 1.900 USD/ounce và 1.920 USD/ounce, mức cao nhất được thiết lập vào tháng 9/2011.
Trao đổi với Zing, ông Ronan Manly, chuyên gia phân tích về kim loại quý tại BullionStar (Singapore), nhận định giá vàng thế giới vẫn được hỗ trợ rất nhiều từ tình trạng bất ổn kinh tế, địa chính trị toàn cầu và chính sách nới lỏng tiền tệ của các chính phủ.
Trợ lực còn rất nhiều
“Nguyên nhân hàng đầu khiến giá vàng tăng cao là cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến các ngân hàng trung ương lớn phản ứng bằng cách in thêm tiền, nới lỏng định lượng, đồng tiền mất giá, môi trường lãi suất bằng 0 hoặc thậm chí âm”, ông Manly giải thích.
Theo chuyên gia tại BullionStar, trước cuộc khủng hoảng toàn cầu vì dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương lớn (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản) mạnh tay nới lỏng định lượng, dẫn đến đồng tiền mất giá và có khả năng tạo ra siêu lạm phát.
Vàng giữ được giá trị khi sức mua của đồng tiền giảm. Nói cách khác, giá trị của tiền giảm, giá vàng sẽ tăng.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu cũng đưa các ngân hàng trung ương đến quyết định cắt giảm lãi suất, dẫn tới lãi suất thực tế giảm và vàng tăng giá. “Lãi suất thực càng thấp, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng càng giảm”, ông Neil Wilson, Giám đốc phân tích thị trường tại Markets.com, bình luận.
Cuối cùng, theo ông Ronan Manly, vàng luôn là một tài sản trú ẩn an toàn. Các nhà đầu tư từng đổ xô mua vàng vào thời kỳ khủng hoảng tài chính. Giờ, vàng cũng là một dạng bảo hiểm tài chính không rủi ro.
“Các trợ lực, như sự can thiệp của các ngân hàng trung ương vào thị trường tài chính, vẫn còn rất nhiều. Trước mắt, những hành động này sẽ chưa dừng lại”, chuyên gia phân tích kim loại quý nhấn mạnh.
Nguy cơ sụp đổ hệ thống tiền tệ
Trong khi đó, từ góc độ nhà đầu tư, nhu cầu mua vàng được thúc đẩy khi chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng giảm trong môi trường lãi suất bằng hoặc dưới 0. Giới đầu tư cũng chuyển sang nắm giữ tài sản thực, bao gồm vàng và hàng hóa, do lo ngại lạm phát phá hủy giá trị của tiền và các khoản đầu tư cố định thu nhập khác.
“Thị trường tài chính vẫn bị tàn phá mặc dù được giải cứu và chống đỡ bởi các chính phủ. Do đó, giới đầu tư và những người tiết kiệm đang đổ xô mua vàng như một hình thức phòng vệ chống lại sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ hiện tại”, ông Manly nhận xét.
“Với tất cả nguyên do trên, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian”, ông đi đến kết luận.
Trong cuộc khảo sát giá vàng tuần 13-19/7 của Kitco, đa số chuyên gia và nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng vàng sẽ tăng giá trong tuần này.Cụ thể, trong số 17 chuyên gia tại Phố Wall được hỏi, có tới 15 người (88%) cho rằng kim loại quý sẽ có tuần tăng thứ 6 liên tiếp.
Ông Manly dự đoán sau hai ngưỡng quan trọng 1.900 USD/ounce và 1.920 USD/ounce, giá vàng có thể tăng vọt nhanh chóng và chạm mức 2.000 USD/ounce. Theo ông, giá vàng vẫn có khả năng giảm trước khi đạt ngưỡng 1.920 USD và 2.000 USD nhưng không tạo thành xu hướng.
Chẳng hạn, vào tháng 8/2011, giá vàng tăng từ 1.650 USD lên 1.900 USD/ounce trong chưa đầy 3 tuần (từ ngày 2/8 đến 22/8/2011). Sau đó, vàng giảm giá gần 200 USD trong vòng vài ngày (đến ngày 25/8) rồi bật tăng hơn 200 USD (đến ngày 5/9/2011).
Nhìn vào bức tranh lớn, với việc nới lỏng định lượng và mở rộng cung tiền, các ngân hàng trung ương đã ồ ạt mở rộng bảng cân đối kế toán.
Nhưng trong tương lai, những người nắm giữ vàng lớn nhất thế giới này sẽ cân đối lại bảng cân đối kế toán bằng cách định giá lại vàng dự trữ với mức giá cao hơn nhiều hiện tại. “Đây được coi là thiết lập lại hệ thống tiền tệ và điều này sẽ xảy ra sớm hơn so với dự đoán của thị trường”, ông Manly nhận xét.
Giá vàng tăng trên thị trường quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến các thị trường địa phương trên toàn cầu. Thị trường vàng London (London Gold Market) và Sàn Giao dịch vàng New York (COMEX) sẽ là những người tạo lập giá (price maker), trong khi các thị trường địa phương là người chấp nhận giá (price taker).
Vì vậy, giá vàng quốc tế cao sẽ dẫn đến giá vàng địa phương cao hơn. Hiện tại, vàng tăng giá đối với gần như toàn bộ tiền tệ trên khắp thế giới, bao gồm thị trường Đông Nam Á và Việt Nam. Sáng 13/7, vàng trong nước tăng trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp cuối tuần trước.
“Vì vậy, nên mua vàng để đầu tư, trú ẩn và phòng ngừa lạm phát”, chuyên gia tại BullionStar nhận định.
Theo Zing