Giá duy trì ở mức cao đã thúc đẩy người tiêu dùng châu Á bán vàng để chốt lời trong tuần qua, mặc dù sự sụt giảm của giá vàng vẫn thu hút giới đầu tư mua vào vì những biến động kinh tế giúp kim loại quí trở thành thiên đường trú ẩn khỏi rủi ro.
Trong khi đó, theo một số đại lí vàng, sự quan tâm đối với bạc cũng rất ổn định, với một số người tiêu dùng nhận định kim loại này là đã bị định giá thấp.
Giá vàng thế giới đạt mức cao nhất trong 6 năm vào thứ Ba (13/8) và ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp, tăng 1%. Bạc cũng đánh dấu mức tăng 1,5% hàng tuần.
Theo Brian Lan, Giám đốc điều hành tại đại lý Singapore GoldSilver Central, cho biết các hệ thống báo cáo người dân liên tục đến bán vàng.
“Các nhà máy luyện kim hiện tại hầu hết đều có công suất tối đa vì việc bán vàng phế liệu”, ông Lan nói.
“Mặt khác, chúng tôi nhận thấy hoạt động thu mua bạc gia tăng vì nhiều nhà đầu tư coi đó là một tài sản bị định giá thấp“.
Ngoài ra, theo ông, gười tiêu dùng cũng mua vàng vào mỗi khi có một đợt giảm giá ngắn.
Sự đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2007 trong tuần trước làm trầm trọng thêm mối lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế đang diễn ra, thúc đẩy dòng chảy vào các thiên đường an toàn như vàng và đồng yen Nhật Bản.
Nhu cầu vàng yếu
Tại quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu, Trung Quốc, giá vàng giảm nhẹ xuống 6 – 9 USD/ounce so với mức giá chuẩn, thấp hơn mức chiết khấu 9 – 10 USD trong tuần kết thúc vào ngày 10/8.
Ông Ronald Leung, trưởng đại lí tại Lee Cheong Gold Dealers (Hong Kong), cho hay nhu cầu đối với vàng chủ yếu đến từ phía đầu tư.
Tại Singapore, vàng đã được bán với giá cao hơn mức chuẩn 0,5 – 0,8 USD/ounce, không đổi so với tuần kết thúc vào ngày 2 tháng 8.
Tại Ấn Độ, nhu cầu vẫn giảm khi giá trong nước tăng vọt, theo mức tăng ở thị trường nước ngoài và đồng rupee yếu.
Giá vàng giao sau đạt mức cao kỉ lục 38.666 rupee/10 gram (tương đương 543,44 USD/10 gram) vào đầu tuần trước, theo Reuters.
“Người dân đang thực hiện các giao dịch mua nhỏ hơn bình thường do giá tăng”, ông B Govindan, Chủ tịch của Bhima Jewellery có trụ sở tại Kochi (Ấn Độ), cho biết.
Các đại lí đã đưa ra mức chiết khấu lên tới 33 USD/ounce so với giá chính thức trong nước, thấp hơn mức chiết khấu 37 USD trong tuần tính tới ngàyngày 10/8 – mức chiết khấu cao nhất kể từ tháng 8/2016.
Giá vàng trong nước gồm thuế nhập khẩu 12,5% và thuế doanh thu 3%.
Nhiều xưởng kim hoàn cũng không đặt đơn hàng mới do nhu cầu bán lẻ yếu, một đại lí ở Mumbai (Ấn Độ) có ngân hàng nhập khẩu vàng tư nhân cho biết, và nói thêm mọi người đang chờ đợi giá vàng điều chỉnh.
Nhập khẩu vàng Ấn Độ trong tháng 7 đã giảm 55% so với một năm trước xuống mức thấp nhất 3 năm.
Tại Hong Kong, giá vàng tăng 0,5 – 1,2 USD so với mức giá chuẩn. Cuộc chiến thương mại và nhiều tháng biểu tình đã làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái kinh tế tại trung tâm tài chính.
“Nhu cầu đang rất yếu vì giá cao và tình trạng bất ổn đã ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ, đặc biệt là nhu cầu trang sức”, một đại lí tại Hong Kong cho biết.
Tại Nhật Bản, vàng đã được bán ngang giá so với mức chuẩn, nhưng vẫn giảm 0,25 USD so với tuần kết thúc vào ngày 10/8, với hầu hết giới đầu tư bán vàng vì đồng yen tăng, theo một thương nhân ở Tokyo.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (19/8), giá vàng tiếp tục giảm vì đồng USD mạnh và sự phục hồi của thị trường chứng khoán.
Theo Kitco, giá vàng giao ngay giảm mạnh 0,87% xuống 1.499,5 USD/ounce vào lúc 17h50 (giờ Việt Nam); giá vàng giao sau cũng giảm tới 0,9% xuống 1.509,85 USD.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng