Do nhu cầu vàng vật chất ở mức thấp và USD vẫn ở mức cao so với các đồng tiền chủ chốt, nên giá vàng chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh, tích lũy ngắn hạn.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.292USD/oz, giá vàng quốc tế gần như chỉ đi ngang khi dao động trong biên độ khá hẹp 1.285- 1.296USD/oz.
Trong khi đó tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng chỉ dao động trong biên độ từ 36,28- 36,46 triệu đồng/lượng đến 36,44- 36,59 triệu đồng/lượng. Do giá vàng dao động trong biên độ hẹp, nên nhu cầu giao dịch rất trầm lắng, các nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài thị trường theo dõi.
Sở dĩ giá vàng vẫn đang chịu sức ép điều chỉnh là do PMI- số liệu sản xuất công nghiệp của Trung Quốc phục hồi trở lại mức 50,5 điểm trong tháng 3/2019, so với mức của kỳ trước 49,2 điểm, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2012. Trong khi đó, chỉ số PMI của Mỹ tháng 3 cũng tăng lên mức 55,3 điểm, so với mức 54,2 điểm của kỳ trước. Điều này đã hỗ trợ chứng khoán thế giới và USD tăng giá tích cực.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tháng 3 của Mỹ lại giảm 0,2% và đơn đặt hàng hóa công nghiệp giảm tới 1,6% so với mức tăng 0,3% của kỳ trước lại khiến Dow Jones giảm 0,3% xuống mức 26.179 điểm, và USD index cũng giảm nhẹ 0,27% từ mức cao trong hơn 3 tuần (96,85 điểm). Mặc dù vậy, USD vẫn đang ở mức cao trong nhiều năm so với các đồng tiền chủ chốt, nên giá vàng vẫn tiếp tục xu hướng điều chỉnh, trừ khi số liệu việc làm của Mỹ được công bố cuối tuần này tiếp tục giảm mạnh.
Trong khi đó, dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được nhiều thỏa thuận, nhưng chưa tìm kiếm được giải pháp giải quyết dứt điểm những bất đồng thương mại hiện nay.
Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ suy thoái nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại trong vòng 3 tháng tới. “Cuộc khảo sát mới đây của Moody’s cho thấy miềm tin của các doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ cuối cuộc khủng hoảng tài chính 2007- 2008”, ông Mark Zandi cho biết.
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF cũng cảnh báo kinh tế thế giới đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại do bất ổn Brexit, nợ công tăng cao, tác động của các biện pháp thuế quan của Mỹ và Trung Quốc. “Mỹ và Trung Quốc ăn miếng, trả miếng bằng thuế quan khiến GDP của Mỹ giảm 0,6%, trong khi GDP của Trung Quốc giảm tới 1,5%”, bà Christine Lagarde cho biết và nhấn mạnh, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ chưa diễn ra trong tương lai gần.
Theo ông Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích của FXTM, rủi ro địa chính trị như bế tắc Brexit, đàm phán thương mại Mỹ- Trung kéo dài, FED thận trọng với chính sách tiền tệ… sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng. Tuy nhiên, giá vàng có thể vẫn chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn, và chỉ có thể phục hồi trở lại trong trung và dài hạn. “Giá vàng có thể sẽ tiếp cận vùng 1.280USD/oz trong ngắn hạn, nhưng nếu vượt 1.300USD/oz, thì áp lực điều chỉnh sẽ giảm bớt”, ông Lukman Otunuga nhận định.
Trong báo cáo công bố mới đây, Tập đoàn INTL FCStone cho rằng yếu tố bất lợi đối với giá vàng trong ngắn hạn vẫn là nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ và Trung Quốc đang ở mức thấp. Do đó, giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, củng cố trong biên độ 1.275- 1.325USD/oz trong tháng 4.
Theo phân tích kỹ thuật, mặc dù chỉ số Stochastic đã nằm trong vùng vượt bán và đang cho thấy tín hiệu phục hồi của giá vàng, nhưng các chỉ số ADX, MACD, Aroon… vẫn đang tiếp tục cho thấy tín hiệu điều chỉnh, tích lũy. Theo đó, nếu giá vàng bị đẩy xuống dưới 1.280USD/oz, thì có thể sẽ xuống 1.275USD/oz, kế tiếp là vùng 1.241- 1.248USD/oz. Trong khi đó, 1.302- 1.308USD/oz đang là vùng kháng cự đầu tiên, kế tiếp là 1.317- 1.325USD/oz. Giá vàng chỉ tăng mạnh khi vượt qua 1.354USD/oz (MA100 trên biểu đồ tháng).
Các số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP), tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập bình quân hàng giờ của Mỹ được công bố vào ngày 5/4 tới, đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, vì các số liệu này cho thấy phần nào “sức khỏe” của kinh tế Mỹ và ảnh hưởng tới định hướng chính sách tiền tệ của FED.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp