Nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng năm 2023 sẽ có những “cơn sóng lớn” khi nguy cơ suy thoái gia tăng và FED chính thức ngừng tăng lãi suất cơ bản.
Sau khi chiến sự Nga- Ukraine bùng nổ vào đầu tháng 3/2022, giá vàng đã tăng lên 2.070 USD/oz, gần mức cao nhất mọi thời đại được ghi nhận vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, giá vàng đã giảm 22% xuống 1.615 USD/oz. Tất nhiên, yếu tố chính đè nặng lên giá vàng là FED đã tăng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản từ tháng 3 đến tháng 12/2022- chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất từ trước đến nay.
Giá vàng chịu tác động tiêu cực trong năm 2022 khi USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Ngoài ra, việc phong tỏa liên tục do Covid-19 ở Trung Quốc đã cản trở nhu cầu trang sức từ một quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Sau khi chạm đáy 1.614 USD/oz, giá vàng đã chứng kiến mức tăng 13% cho đến cuối năm ngoái, được hỗ trợ bởi chỉ số CPI của Mỹ liên tục sụt giảm, khiến các nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ sớm xoay trục trong chính sách tiền tệ trong năm 2023. Mặc dù vậy, nếu tính từ mức giá mở cửa năm 2022 đến mức giá đóng cửa năm 2022, giá vàng quốc tế gần như chỉ đi ngang.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã biến động theo xu hướng giá vàng quốc tế, nhưng luôn cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi khá nhiều, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Trong năm 2023, các nhà phân tích cho rằng giá vàng sẽ tích cực hơn năm 2022 khi bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng. Dù kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi (GDP quý 3/2022 tăng tới 3,2% sau 2 quý đầu năm tăng trưởng âm), nhưng khu vực Châu Âu đã và đang phải chịu tác động rất lớn từ chiến sự Nga- Ukraine, khiến tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nếu không khắc phục được khó khăn hiện nay, khu vực này có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Trung Quốc cũng đang đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh sau khi nới lỏng zero-Covid. Ngoài ra, tình trạng vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản, bất ổn khu vực tài chính và ngân hàng… cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến kinh tế nước này suy giảm mạnh.
Trong khi kinh tế Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và hoạt động của các công ty ở nước ngoài. Do vậy khi Châu Âu, Trung Quốc… gặp khó khăn, thì kinh tế Nhật cũng chịu tác động mạnh.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng kịch bản tốt nhất đối với giá vàng trong năm 2023 liên quan đến suy thoái kinh tế toàn cầu và sự chuyển hướng của các ngân hàng trung ương sang các điều kiện tài chính lỏng lẻo hơn, đặc biệt là ở Mỹ. Việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc cũng có thể có tác động có lợi đối với thị trường vàng thỏi. Những điều này có thể đẩy giá vàng quốc tế tăng ít nhất 10% lên 2.000 USD/oz.
“Nếu tình trạng lạm phát đình đốn (suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao) trở nên tồi tệ hơn, thì giá vàng có thể tăng theo cấp số nhân khi các nhà đầu tư đồng loạt tháo chạy khỏi trái phiếu, cổ phiếu và tiền tệ, như đã từng xảy ra vào những năm 1970. Trong bối cảnh này, vàng sẽ được coi là nơi trú ẩn an toàn nhất nên có thể sẽ tăng giá lên mức cao nhất mọi thời đại tại ít nhất 2.075/oz”, ông Colin nhận định.
Kịch bản xấu nhất đối với vàng vào năm 2023 là FED không cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023 nếu suy thoái kinh tế xảy ra. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ tác động nhẹ đến triển vọng giá vàng năm 2023. Bởi dù FED giữ nguyên lãi suất ở mức khoảng 5- 5,25% trong năm 2023, thì vẫn đứng sau đường cong lạm phát. Hay nói cách khác, dù FED giữ nguyên lãi suất ở mức nói trên trong năm 2023, thì lãi suất thực ở Mỹ vẫn âm. Do đó, giá vàng vẫn có cơ hội tăng giá.
Cùng với nhu cầu đầu tư vàng ngày càng tăng, BCA nhận thấy nhu cầu vàng vật chất cũng sẽ gia tăng do các ngân hàng trung ương mua vào. “Về dài hạn, nhiều ngân hàng trung ương sẽ muốn thay thế USD bằng vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình, để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị Mỹ và phương Tây trừng phạt tài chính giống như những gì mà Nga, Iran và nhiều quốc gia khác đang phải đối phó hiện nay”, BCA nhận định.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp