Giá vàng đã và đang liên tục điều chỉnh do sức ép dồn dập, nhất là từ USD và chứng khoán toàn cầu.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.275USD/oz, giá vàng đã tăng nhẹ lên mức 1.279USD/oz, nhưng sau đó giảm mạnh xuống mức 1.266USD/oz.
Trong khi đó, tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã có những phiên điều chỉnh theo xu hướng của giá vàng quốc tế khi giảm từ mức 36,28- 36,39 triệu đồng/lượng xuống mức 36,13- 36,23 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tiếp tục giảm mạnh trong những phiên giao dịch đầu tuần này là do USD, chứng khoán toàn cầu tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, USD index tăng lên mức 97,36 điểm, mức cao nhất trong 22 tháng qua, do các số liệu kinh tế Mỹ được công bố đều ở mức khả quan. Đặc biệt, doanh số bán nhà mới của Mỹ đạt 692.000 giao dịch, mức cao nhất từ tháng 11/2017, cao hơn nhiều so với mức dự kiến 647.000 giao dịch và kỳ trước là 662.000 giao dịch. Điều này khiến các nhà đầu tư kỳ vọng GDP quý 1 của Mỹ được công bố cuối tuần này có thể đạt trên mức 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu vàng vật chất vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, dù đã tăng trong tháng 3 vừa qua. Theo Commerzbank, trong tháng 3 Thụy Sỹ đã xuất khẩu 33,1 tấn vàng sang Trung Quốc và 24,2 tấn vàng sang Ấn Độ.
Trong khi đó, các NHTW liên tục mua vàng, nhưng chưa đủ mạnh để tác động tích cực đến giá vàng. Theo ScotiaBank, trong tháng 3 vừa qua, các NHTW trên thế giới đã mua khoảng gần 90 tấn vàng. Trong cùng thời điểm, các nhà đầu tư thông qua qũy ETF cũng đã mua khoảng 1,5 triệu ounces vàng.
Ông Peter Fung, Trưởng phòng giao dịch của Tập đoàn Wing Precious Metals ở Hồng Kông cho rằng, giá vàng vẫn đang chịu sức ép trong ngắn hạn vì USD vẫn đang có xu hướng tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt. Hơn nữa, dòng tiền đầu tư vẫn đang tháo chạy khỏi thị trường vàng và chảy mạnh vào thị trường chứng khoán để đón sóng tăng giá hiện nay. “Mức 1.280USD/oz đang là mức kháng đầu tiên của giá vàng trong ngắn hạn. Nếu không vượt qua mức này, thì giá vàng sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa với mức hỗ trợ quan trọng tại 1.250USD/oz (MA200)”, ông Peter Fung nhận định và cảnh báo, việc các quỹ đầu tư chuyển mạnh sang trạng thái bán vàng vào tháng 4 là tín hiệu rủi ro đối với giá vàng trong ngắn hạn. Bởi vậy, giá vàng cần thêm thời gian điều chỉnh trước khi phục hồi trở lại.
Mặc dù giá vàng đã và đang có xu hướng điều chỉnh, nhưng nhiều chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng trong trung và dài hạn. Trong đó, bà Suki Cooper, chuyên gia phân tích cao cấp của Standard Charter cho rằng, giá vàng thường tăng sau khi FED chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất cơ bản, hay nói đúng hơn là bắt đầu cắt giảm lãi suất. “Giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng sẽ tăng khoảng 6 tháng sau đó. Xu hướng giá vàng hiện nay khá giống với những gì đã diễn ra trong quá khứ”, bà Cooper nhận định.
Cũng theo bà Cooper, nhu cầu vàng vật chất và việc các NHTW mua vàng sẽ hỗ trợ cho giá vàng trong trung và dài hạn. Theo đó, giá vàng có thể đạt mức 1.325USD/oz vào quý 4/2019, thậm chí lên tới mức giá đóng cửa của năm ngoái tại 1.362USD/oz. “Giá vàng có thể tiếp tục tăng cao vào năm tới, đạt mức trung bình khoảng 1.375USD/oz”, bà Cooper nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, ADX, Stochastic, RSI… vẫn đang có thấy tín hiệu tiêu cực, dù Stochastic đã nằm trong vùng vượt bán trên biểu đồ tuần. Đáng lưu ý, giá vàng đang nằm dưới mô hình tam giác trên biểu đồ ngày. Theo đó, nếu tiếp tục ở dưới mức 1.290USD/oz, thì áp lực bán tháo diễn ra còn mạnh mẽ. Theo đó, nếu bị đẩy xuống dưới mức 1.265USD/oz, thì giá vàng có thể sẽ xuống tới 1.250USD/oz, kế tiếp là 1.243USD/oz (MA200 trên biểu đồ tuần). Ngược lại, nếu vượt qua 1.290USD/oz, thì giá vàng hoàn toàn có thể lên trên 1.300USD/oz, nhưng khó trụ vững trên mức này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù giá vàng đã giảm mạnh, nhưng áp lực điều chỉnh chưa dừng lại. Do đó, đây chưa phải là lúc mua vàng để đầu tư dài hạn.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp