Bất chấp các tín hiệu tích cực từ vaccine, phân tích của Bloomberg chỉ ra nhiều nhân tố củng cố cho thị trường vàng về dài hạn.
Tuần qua, thị trường chứng khoán chứng kiến các phiên giao dịch đột phá nhờ triển vọng tích cực từ vaccine khiến các mã dược phẩm tăng mạnh. Trước đó, các yếu tố bất ổn và dịch bệnh khiến vàng liên tục tăng giá và thiết lập kỷ lục chưa từng có. Một câu hỏi đặt ra ngay lúc này: Điều gì sẽ xảy ra với giá vàng khi vaccine cho Covid-19 được tung ra?
Vai trò bất biến của kênh trú ẩn
Theo Bloomberg, vàng được chấp nhận rộng rãi như một tài sản trú ẩn truyền thống, có khuynh hướng tăng giá mạnh khi thị trường hỗn loạn. Như một lẽ tất yếu, thời điểm kết thúc một cuộc khủng hoảng thường đồng nhất với bước ngoặt cho một diễn biến mới.
Tuy nhiên, kim loại quý hiếm còn có một vai trò như một hàng rào chống lạm phát hiệu quả. Với lượng vốn khổng lồ được đổ vào nền kinh tế toàn cầu trong năm nay, bất kể tín hiệu lạm phát nào đều sẽ khiến giới đầu tư quay trở lại tích trữ vàng miếng.
Trong năm nay, vàng đã chứng kiến điều kiện “thuận lợi” chưa từng có trong lịch sử khi làn sóng in tiền diễn ra ở hầu hết nền kinh tế chính, đồng USD yếu đi và sự bất ổn trên phạm vi toàn cầu. Điều này khiến nhu cầu về vàng tăng đột biến, giá vàng tăng lên chóng mặt. Tỷ giá hối đoái thực của kho bạc Mỹ cũng tăng mạnh hồi tháng 7,8 khiến vàng thời điểm này tăng lên tới mức kỷ lục – trên 2.075 USD/ounce.
Dù giá vàng đã giảm nhiệt, làn sóng nhà đầu tư đổ xô vào các quỹ giao dịch trao đổi vẫn chưa dừng lại. Dòng vốn có lúc tăng đỉnh điểm hồi tháng 10, thu hút gần 900 tấn kim loại trong năm nay, gấp đôi dòng tiền hồi cuối năm 2019 vào thị trường này.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt chỉ trong vài tuần ngắn ngủi. Vàng chứng kiến phiên rớt điểm sâu nhất trong 7 năm qua cùng ngày hãng Pfizer công bố kết quả ban đầu cho thấy vaccine chống Covid – 19 của hãng có hiệu quả tới 90%.
Bên cạnh đó, căng thẳng trong chính trường Mỹ đang làm dấy lên nghi ngờ về khả năng thực hiện các biện pháp kích thích trong tương lai. Thị trường ETF sau đó chứng kiến dòng thoái vốn trong 6 ngày liên tiếp, trong khi các quỹ đầu cơ tăng giá vào vàng thỏi rơi xuống mức thấp nhất trong 17 tháng liên tiếp tính đến ngày 17/11.
Tai Wong, người đứng đầu bộ phận giao dịch phái sinh về kim loại tại hãng BMO Capital Markets, nhận định “Tin tức tích cực về vaccine đã gia tăng triển vọng nối lại trạng thái bình thường diễn ra vào mùa xuân này”. Ngoài ra, trong khi tình trạng lãi suất thấp và các gói hỗ trợ chính phủ có thể thúc đẩy giá vàng, “đà tăng của vàng vẫn có thể được kiềm chế trong ngắn hạn”, ông nói.
Vàng có tiếp tục tăng giá?
Diễn biến lạm phát sẽ là chìa khóa trả lời triển vọng thị trường vàng hiện nay, điều này đã từng có tiền lệ trong quá khứ. Hồi năm 2011, giá vàng có lúc đạt mức kỷ lục ngay sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi đó, các ngân hàng trung ương bắt đầu nới lỏng các quy định, dấy lên nỗi lo về siêu lạm phát kiểu Đức. Tuy nhiên, giới đầu cơ giá vàng lên cuối cùng ôm về thất vọng vì lạm phát được kiểm soát.
Tuy nhiên, Oliver Harvey, chiến lược gia vĩ mô tại ngân hàng Deutsche Bank, nhận định lịch sử có thể không lặp lại. “Khi chúng ta thoát khỏi đại dịch Covid, một lượng lớn công cụ thanh khoản được tung ra. Tỷ lệ tiết kiệm đã tăng vượt trần khi người dân phải ngồi nhà nhưng vẫn kiếm được tiền”, vị chiến lược gia cho biết. Và “Khi lạm phát tăng lên đến 3% đến 3,5% ở các nước phát triển, nhiều người sẽ sớm cảm nhận được điều này”.
Thị trường hồi phục khi đồng USD yếu hơn thường đẩy giá vàng tăng. Cùng với đó, các động thái hỗ trợ kinh tế của các ngân hàng trung ương cũng là hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Suki Cooper, chuyên gia phân tích kim loại quý tại Standard Chartered chỉ rõ “Rủi ro phát sinh với giá vàng thường mâu thuẫn với chính sách tiền tệ nới lỏng, tỷ giá duy trì mức thấp hoặc âm trên phạm vi toàn cầu”. Vị này cũng chỉ ra nợ chính phủ tăng cao sẽ là nguy cơ gia tăng lạm phát kỳ vọng.
Ngoài ra, một nhân tố tích cực khác cho thị trường vàng là dù sau tin tức của Pfizer, các động thái tiếp theo không hề tạo ra phản ứng mạnh trên thị trường kim loại quý, các phiên đóng cửa hầu như ít biến động.
Yếu tố tiêu cực nào cho giá vàng?
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định thị trường gấu với xu hướng giá giảm vẫn đang hình thành. Hãng Macquarie Group trong tuần này vừa tuyên bố rằng đã đến lúc “kết thúc của thị trường tăng giá theo chu kỳ”, khẳng định giá vàng đã đạt đỉnh. Tập đoàn tài chính này dựa trên triển vọng vaccine có thể được sử dụng rộng rãi trong tháng tới, cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đang gia tăng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 3.
Triển vọng tích cực của vaccine có thể cản trở các gói kích thích của chính phủ Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển giao quyền lực căng thẳng của Thượng viện nước này. Darius Tabatabai, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Arion Investment Management, cho biết: “Với tình hình Thượng viện chia rẽ hiện nay, khó có thống nhất các gói chi tiêu đáng kể”.
Trong khi đó, nhân tố bất lợi cho giá vàng có thể xuất hiện khi nhà đầu tư đổ tiền vào các kênh tài sản khác được hưởng lợi từ nền kinh tế đang phục hồi. Do đó, kể cả với kịch bản đồng USD suy yếu, lạm phát gia tăng thì vàng cũng khó có thể đối chọi với Bitcoin như một lựa chọn an toàn của các nhà đầu tư.
Đồng quan điểm trên, Rhona O’Connell, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại StoneX Group nhận định khi virus được kiểm soát và niềm tin trở lại, dòng vốn có thể được xoay chuyển sang các kênh rủi ro và sinh lời hơn, đồng nghĩa “chu kỳ tăng giá của vàng kết thúc và mở đầu cho xu thế ngược lại”.
Tuy nhiên, “những gì diễn ra và biến động trong 2 tuần qua là một phản ánh thực tế: đó mới chỉ là vaccine, chưa hẳn là liều thuốc chữa bệnh dứt điểm; do đó còn hẳn một chặng đường dài để chúng ta thực sự thoát khỏi khủng hoảng”, Rhona O’Connell cho hay.
Theo Zing