Trong cơn sốt giá nhiên liệu toàn cầu, than bất ngờ lập kỷ lục giá mới, giá vượt 200 USD/tấn, cao nhất kể từ 2008.
Cụ thể, giá than ngày 3/10 tại cảng Newcastle, Australia ở mức 203,2 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2008.
Giá than tăng cao vì Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng. Sản lượng từ các nhà máy thủy điện ở Trung Quốc giảm nên nước này phải tăng cường sản xuất từ điện than, đẩy nhu cầu than tăng cao.
Trong khi đó, từ cuối năm 2020, Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Australia, vốn là nguồn cung than lớn cho quốc gia này vì căng thẳng địa chính trị leo thang. Điều này đẩy Trung Quốc vào vòng xoáy tìm kiếm nhà cung ứng thay thế, đẩy nhu cầu lên cao, và cuối cùng khiến giá than tăng phi mã.
Để bù lại thiếu hụt từ Australia, Trung Quốc mua than từ Indonesia, Nga, Nam Phi và Mỹ. Tuy nhiên, giá than đã tăng rất cao. Chẳng hạn than từ Nga, loại 5.500 kcal/kg, có giá cao gấp 2 so với cùng chủng loại từ Australia.
Giá than Indonesia cũng cao kỷ lục và Trung Quốc phải đua với Ấn Độ để mua từ Indonesia. Loại than 4.200 kcal/kg trong tuần tính đến 24/9 ở mức 91,3 USD/tấn, cao gấp 4 lần so với mức thấp nhất trong 2020.
Nếu trong tương lai, Trung Quốc nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu từ Australia thì nguồn cung từ quốc tế có thể được cải thiện. Tuy nhiên, câu chuyện này còn đang có ý kiến trái chiều.
Nhà phân tích Michelle Leung đến từ Bloomberg Intelligence dự đoán việc Trung Quốc nới lỏng không xảy ra vì lý do chính trị.
Ralph Leszczynski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới tàu biển Banchero Costa & Co., lại cho rằng khả năng nới lỏng nhập khẩu từ Australia của Trung Quốc là hoàn toàn có thể để giảm áp lực lên giá than tại Trung Quốc.
Giavang.net