Hôm 2/8, Nga đã tấn công cảng nội địa chính của Ukrane ở sông Danube, đối diện với Romania, khiến giá thực phẩm toàn cầu đi lên.
Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov ngày 2/8 cáo buộc Nga sử dụng máy bay không người lái (UAV) của Iran tấn công vào các kho ngũ cốc Ukraine ở Izmail, tỉnh Odessa.
Theo nguồn tin được biết, nơi bị tấn công là cảng nội địa chính của Ukraine. Nó nằm bên sông Danube ở phía tây nam Ukraine, bên kia sông là Romania. Cảng này là tuyến đường thay thế chính để xuất khẩu ngũ cốc khỏi Ukraine kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Vụ tấn công đã phá hủy các tòa nhà tại cảng Izmail và khiến các con tàu đang trên đường tới cảng để lấy ngũ cốc phải dừng lại trên đường đi. Dữ liệu theo dõi tàu thương mại cho thấy, hàng chục tàu quốc tế phải dừng và thả neo ở cửa sông Danube. Nhiều tàu trong đó đã đăng ký đến Izmail từ biển Đen trong nỗ lực rõ ràng nhằm né tránh lệnh phong tỏa của Nga.
Bộ trưởng Ukraine cho biết, vụ tấn công đã làm hỏng 40.000 tấn ngũ cốc dự kiến được chuyển tới Trung Quốc, Israel và các quốc gia châu Phi.
Ông viết trên Facebook rằng cơ sở hạ tầng của các cảng tại Danube đã bị “tàn phá”. Ông cảnh báo: “Ngũ cốc của Ukraine là thứ không thể thiếu đối với thế giới và không thể được thay thế bởi bất kỳ quốc gia nào khác trong những năm tới. Cảng Izmail bị hư hại nhiều nhất, bao gồm khu vực tiếp dỡ hàng hóa và cơ sơ hạ tầng của công ty Danube Shipping Company”.
Thống đốc Odessa Oleh Kiper cho biết không ghi nhận thương vong trong đòn tập kích.
Ukraine cho biết, trong hơn 2 tuần qua, Nga liên tiếp tấn công cơ sở hạ tầng cảng và nông nghiệp của nước này. Trước khi Nga rút khỏi thỏa thuận Biển Đen, lượng ngũ cốc Ukraine xuất đi từ các cảng trên sông Danube chiếm khoảng 1/4 lượng ngũ cốc xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, hãng thông tấn Nga RIA Novosti cho biết cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc bị tấn công tại cảng là nơi trú ngụ lính đánh thuê nước ngoài cũng như chứa khí tài quân sự. Theo RIA, một xưởng sửa chữa tàu hải quân cũng đã bị nhắm mục tiêu.
Trên sàn giao dịch hàng hoá Chicago hôm 2/8, giá lúa mì có lúc tăng gần 5% do lo ngại về nguồn cung nhưng sau đó lại đi xuống do xuất khẩu của Nga đi lên và có các dấu hiệu cho thấy Moskva có thể đồng ý khôi phục thỏa thuận hành lang Biển Đen.
Giavang.net