Các nhà phân tích cho biết việc Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm mạnh sản lượng dầu thô vào tháng 7 sẽ khiến sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu trở nên trầm trọng hơn trong quý III/2023, có khả năng đẩy giá dầu Brent lên ngưỡng 100 USD/thùng.
Kết thúc cuộc họp chính sách ở Vienna hôm 4/6, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí điều chỉnh tổng sản lượng khai thác của khối ở mức 40,46 triệu thùng/ngày cho đến hết năm 2024. Theo các cam kết sửa đổi do OPEC+ công bố sau cuộc họp, Ả Rập Saudi sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức 10,478 triệu thùng/ngày, trong khi Nga sẽ cắt giảm sản lượng hàng ngày thêm 650.000 thùng xuống còn 9.828 triệu thùng/ngày, kể từ tháng 1/2024.
Theo ước tính, các cam kết sửa đổi của liên minh gồm 23 thành viên sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Cũng trong ngày 4/6, Ả Rập Saudi – quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7 tới nhằm thúc đẩy giá “vàng đen” thế giới.
Theo nhà phân tích Helima Croft của Quỹ RBC Capital, mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày cao gần gấp đôi so với mức giảm thực tế kể từ tháng 10/2022. Ông cho rằng động thái này sẽ khiến nguồn cung thắt chặt và thiết lập sàn giá dầu Brent ở ngưỡng 70 USD/thùng.
Dù vậy, việc Arab Saudi giảm sản xuất không kéo giá lên cao ngay lập tức, do hàng tồn kho sẽ phải mất một thời gian nữa mới sụt giảm.
Còn theo các nhà phân tích tại Ngân hàng Commonwealth của Australia, việc Arab Saudi tuyên bố cắt giảm mạnh sản lượng dầu sẽ khiến sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu trở nên trầm trọng hơn trong quý III/2023, có khả năng đẩy giá dầu Brent lên ngưỡng 100 USD/thùng.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cũng dự báo giá dầu vào thời điểm tháng 12 năm nay là 95 USD/thùng.
Theo ông Henning Gloystein, giám đốc của Eurasia Group, các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc cắt giảm nguồn cung dầu và giá dầu thô tăng vọt là những khu vực có mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu cao và sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng sơ cấp của họ.
“Điều đó có nghĩa là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành công nghiệp thị trường mới nổi phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là ở Nam và Đông Nam Á, cũng như các ngành công nghiệp nặng siêu phụ thuộc vào nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Gloystein nói.
Ông Pavel Molchanov, giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư tư nhân Raymond James thì nhận định Mỹ không phải nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu giá dầu đạt mức 100 USD/thùng, mà là các quốc gia không có nguồn dầu mỏ trong nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp,…
Giavang.net