Nhiều chuyên gia dự báo, cuộc khủng hoảng ngân hàng, cộng với lạm phát tiếp tục “hạ nhiệt”, FED có thể sẽ sớm dừng tăng lãi suất, hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã tăng từ mức 1.944 USD/oz lên tới mức 1.987 USDoz, sau đó giảm xuống 1.966 USD/oz và đóng cửa ở mức 1.969 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC theo niêm yết của Tập đoàn DOJI giảm từ mức 67,3 triệu đồng/lượng xuống mức 66,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đã tăng tới 7% trong tháng 3 và 9% từ đầu năm đến nay. Như vậy, giá vàng đã có mức tăng hàng tháng tốt nhất kể từ tháng 7/2020 và có mức tăng hàng quý tốt nhất kể từ quý 2/2020.
Việc 3 ngân hàng Mỹ sụp đổ cùng việc Credit Suisse buộc phải bán cho Ngân hàng UBS đã khiến thị trường điều chỉnh dự báo triển vọng của FED từ tăng lãi suất nhiều hơn sang cắt giảm lãi suất.
Không rõ bất ổn ngân hàng toàn cầu đã kết thúc hay chưa, nhưng ông Marc Chandler, chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn Bannockburn Global cho biết, tất cả các khoản cho vay bổ sung do FED giám sát vẫn chưa chậm lại. “Khoản cho vay khẩn cấp của FED, thông qua Chính sách chiết khấu và Chương trình tài trợ có kỳ hạn mới gần như không có dấu hiệu chậm lại trong tuần qua (tăng từ 152,6 tỷ USD lên 163,9 tỷ USD),” ông Chandler cho biết.
Thực tế trên cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn còn căng thẳng, khiến FED phải tiếp tục bơm thanh khoản để hỗ trợ.
Trong khi đó ông Joseph Abate, Chuyên gia chiến lược của Ngân hàng Barclays cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể còn lâu mới kết thúc, vì làn sóng rút tiền gửi thứ hai sắp xảy ra.
Đáng chú ý, Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố dữ liệu về lạm phát cho thấy áp lực lạm phát của Mỹ đang sụt giảm. Cụ thể, Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 3- chỉ số đo lường lạm phát ưa thích của FED- giảm xuống mức 5%, trong khi đó PCE cơ bản cũng giảm xuống mức 4,6% từ 4,7% trong tháng 2.
Bất ổn ngân hàng vẫn còn tiếp diễn, cộng với áp lực lạm phát đang “hạ nhiệt” khiến nhiều chuyên gia dự báo FED có thể sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5 sắp tới. Công cụ FedWatch của CME cũng chỉ ra rằng, có tới gần 52% khả năng FED sẽ tạm dừng chính sách tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối cho rằng, nguy cơ hạ cánh cứng đối với nền kinh tế Mỹ đang làm tăng khả năng FED sẽ phản ứng bằng việc cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay. Điều này sẽ giúp giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong dài hạn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá vàng chưa thể thoát xu hướng điều chỉnh, tích luỹ. Theo đó, vùng 1.850- 1.900 USD/oz đang là vùng hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn. Trong khi mức 2.060- 2.070 USD/oz sẽ là mức kháng cự lớn đối với giá vàng.
Trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố một số chỉ số kinh tế quan trọng, trong đó đáng chú ý là số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) tháng 3. Theo dự kiến, NFP đạt khoảng 235.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,6%. Nếu các chỉ số này tốt hơn dự báo, thì giá vàng tuần tới có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh nhẹ về vùng 1.940 USD/oz hoặc thấp hơn nữa. Ngược lại, giá vàng tuần tới tiếp tục hướng tới 1.980-2.000 USD/oz.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp