FED giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,25- 2,5% trong kỳ họp vừa qua, nhưng bật tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất nếu kinh tế Mỹ tiếp tục xấu đi. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Trong đầu tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.341USD/oz, giá vàng quốc tế đã giảm xuống mức 1.332USD/oz, nhưng sau đó lại tăng lên mức 1.362USD/oz sau cuộc họp của FED.
Trong khi đó tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng theo xu hướng giá vàng quốc tế khi giảm mạnh từ mức 37,35- 37,53 triệu đồng/lượng xuống mức 36,63- 36,71 triệu đồng/lượng, sau đó phục hồi trở lại quanh mức 37,2- 37,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đã có xu hướng điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 19/6 là do Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, khiến các nhà đầu tư kỳ vọng 2 nhà lãnh đạo này sẽ có thể đạt được thỏa thuận tạm thời về việc giải quyết bất đồng thương mại giữa 2 nước. Bên cạnh đó, Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng cho biết trong bối cảnh kinh tế khu vực ảm đạm, lạm phát còn dưới mức mục tiêu, ECB có thể sẽ phải thực hiện kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế khu vực này.
Tại cuộc họp kéo dài 2 ngày 18-19/6, FED quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,25- 2,5%; đồng thời bật tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế tiếp tục xấu đi và lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu.
FED thừa nhận những bất ổn của kinh tế Mỹ đã gia tăng trong tháng 5 do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, người dân Mỹ, đặc biệt là người nông dân.
Đặc biệt, FED đã cắt giảm dự báo lạm phát năm 2019 của Mỹ từ mức 1,8% xuống còn 1,5%; đồng thời nhận định lạm phát của Mỹ vẫn ở dưới mức 2% cho đến năm 2021. Ngoài ra, FED cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 có thể chỉ đạt 2,1%, giảm xuống còn 2% năm 2020 và tiếp tục giảm xuống 1,8% vào năm 2021.
Theo khảo sát của CME Group FedWatch, hiện có tới 100% khả năng FED sẽ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản trong năm nay và sẽ tiếp tục cắt giảm 3 lần lãi suất cơ bản trong 12 tháng tới.
Trong khi đó, dù nhu cầu vàng vật chất đang ở mức thấp, nhưng các NHTW vẫn tiếp tục gia tăng mua vàng dự trữ. Trong quý 1/2019, các NHTW đã mua 145,5 tấn vàng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng trong 2 tháng qua, NHTW Trung Quốc đã mua 15 tấn vàng, Philippines cũng thông báo mua 30 tấn vàng trong năm 2019. Trong khi đó, các NHTW Nga, Kazakhstan… cũng liên tục mua vàng để bổ sung vào quỹ dự trữ ngoại hối.
Ông Stephen Innes, Giám đốc điều hành của Tập đoàn quản lý tài sản SPI cho rằng, động lực tăng giá vàng trong ngắn hạn vẫn còn, nhất là khi giá vàng vượt mạnh qua mức 1.365USD/oz, bởi đây là mức kháng cự rất mạnh, giá vàng đã nhiều lần chưa phá vỡ mức này trong nhiều tháng qua. “Nếu vượt qua 1.365USD/oz, thì giá vàng hoàn toàn có thể leo lên mức cao hơn và không loại trừ khả năng phá vỡ mức 1.400USD/oz”, ông Stephen Innes nhận định.
Goldman Sachs cũng vừa đưa ra dự báo giá vàng trung bình trong 6 tháng tới có thể đạt 1.350USD/oz và trung bình 1 năm tới là 1.425USD/oz.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số ADX, MACD… vẫn đang cho thấy động lực tăng giá vàng vẫn còn. Theo đó, nếu vượt qua 1.365USD/oz, giá vàng sẽ tiếp tục thách thức 1.376USD/oz, kế tiếp là 1.392-1.400USDoz. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu vàng vật chất đang ở mức thấp, nên đà tăng giá vàng ngắn hạn chưa thực sự bền vững. Bởi vậy, giá vàng khó tránh khỏi áp lực chốt lời. Trường hợp không vượt qua 1.365USD/oz và bị đẩy xuống dưới 1.332USD/oz, giá vàng sẽ xuống vùng 1.320USD/oz, kế tiếp là vùng 1.300USD/oz. Nếu giá vàng vẫn trụ vững trên 1.300USD/oz, thì đà tăng giá ngắn hạn vẫn được duy trì.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp