EVN phủ nhận ý kiến của Công ty Chứng khoán Maybank Việt Nam (MBKE) cho rằng nguyên nhân khiến tỷ giá USD bật tăng là do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện.
Trong tuần trước, tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh trong 3 ngày đầu tuần. Kết tuần, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,30%, lên VND 23.653 và đồng thời tỷ giá bán niêm yết tại các NHTM và tỷ giá tự do lần lượt tại VND 23.810 và VND 23.750, tăng 60 và 120 đồng so với tuần trước đó.
Trong một báo cáo mới công bố, MBKE cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ giá bật tăng là do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện trong khi chênh lệch lãi suất USD và VND cao khiến dòng tiền thực chảy vào Việt Nam chưa được dồi dào.
Liên quan đến nhận định cho rằng EVN là nguyên nhân đẩy tỷ giá lên cao, trả lời phóng viên, đại diện EVN cho biết, không có cơ sở để cho rằng tỷ giá bật tăng do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện.
Theo số liệu thống kê từ EVN, trong tháng 6/2023, sản lượng điện nhập khẩu chỉ là khoảng 375 triệu kWh (chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% tổng sản lượng nguồn điện trong hệ thống).
Kinh phí mua điện nhập khẩu được thanh toán một phần là tiền Việt Nam và một phần là ngoại tệ USD.
Với mức sản lượng điện nhập khẩu của tháng 6/2023, phần kinh phí được thanh toán bằng ngoại tệ chỉ ở mức khoảng 14,5 triệu USD – chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên toàn bộ thị trường ngoại hối.
Ngoài ra, EVN cho biết mức sản lượng nhập khẩu điện của tháng 6 chỉ ở mức trung bình trong các tháng đầu năm, như vậy, nhu cầu thanh toán ngoại tệ do việc nhập khẩu điện trong tháng 6 không hề có sự đột biến. Với các lý do như trên, có thể khẳng định không có cơ sở để cho rằng tỷ giá bật tăng do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện.
“Với các lý do như trên, có thể khẳng định không có cơ sở để cho rằng tỷ giá bật tăng do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện”, phía EVN cho hay.
Nói về nguyên nhân đẩy tỷ giá bất ngờ tăng, ông Nguyễn Minh Tuấn – Tổng Giám đốc AFA Capital, nhận định: “Việc không giải ngân cho vay được đã khiến tiền ứ đọng trên thị trường liên ngân hàng. Mặt khác, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang rất thấp so với USD. Điều này có thể dẫn đến việc đầu cơ đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng và doanh nghiệp”.
Báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng chênh lệch lãi suất nới rộng hiện nay sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và tạo nên áp lực mất giá tiền đồng.
Số liệu từ VDSC cho biết chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn khoảng 0,3-1,4 điểm % so với lãi suất USD.
Thanh khoản tiền đồng dồi dào khi trong tuần cuối cùng của tháng 6, NHNN không chào thầu tín phiếu. Trong tuần trước đó, NHNN vẫn chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, đều với lãi suất 4%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm thậm chí đã giảm về 0,39%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 (trước dịch Covid-19). Tính đến cuối tháng 6, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn dao động từ 0,7%-3,1%, giảm hơn 4 điểm % so với cuối năm 2022.
VDSC cho rằng triển vọng tăng giá đồng USD trên thị trường quốc tế, mức tương quan của VND với đồng nhân dân tệ (được dự báo tiếp tục mất giá khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau Covid-19) và việc NHNN liên tiếp giảm lãi suất điều hành là ba yếu tố sẽ tác động tiếp tục tạo áp lực khiến VND mất giá.
Dự báo tỷ giá 2023, ông Đinh Đức Quang – Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: “Tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND được dự báo dao động không quá +/- 2,0% so với đầu năm 2023”.
“Dự báo tỷ giá USD/VND có thể đạt mốc 24.500. Tỷ giá USD/VND có thể tăng vượt mức này nếu đồng USD tăng tốc mạnh nhưng áp lực có thể không mạnh bằng năm trước do năm nay Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát trong xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích luỹ trở lại”, bà Nguyễn Thị Phương Lam – Trưởng phòng phân tích của VDSC nhận định.
Giavang.net