Theo quyết định mới nhất được đưa ra trong cuộc họp ngày 15/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 3,5%.
Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, ECB đã quyết định nâng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp, đồng thời phát đi tín hiệu rằng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.
“Các quyết định trong tương lai của Hội đồng quản trị sẽ đảm bảo rằng các mức lãi suất chính của ECB sẽ được đưa về mức hạn chế đủ để đạt được lạm phát quay trở lại kịp thời với mục tiêu trung hạn 2% và sẽ được giữ ở mức đó trong thời gian cần thiết”, ECB cho biết trong một tuyên bố sau quyết định tăng lãi suất.
Như vậy, trong vòng 1 năm vừa qua, ECB đã nâng lãi suất cho vay tổng cộng thêm 4 điểm phần trăm, tốc độ tăng nhanh kỷ lục.
Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng các nhà hoạch định chính sách “vẫn còn chặng đường dài phải đi” và “rất có khả năng” họ sẽ có thêm một động thái thắt chặt nữa tại cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo vào ngày 27/7, trừ phi có “sự thay đổi lớn” trong các số liệu kinh tế.
Với mức 6,1% hiện nay, lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thấp hơn nhiều so với mức 2 chữ số vào thời điểm mùa Thu năm ngoái, song vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2%.
ECB cho rằng tiền lương tăng có nguy cơ dẫn đến giá cả cao hơn, và lặp lại cảnh báo rằng họ dự kiến lạm phát sẽ “duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài”, thậm chí đến năm 2025 cũng chưa giảm về mục tiêu 2%.
Ông Martin Wolburg, một nhà kinh tế tại công ty bảo hiểm Generali của Italy, nhận định: “Bà Lagarde thực sự muốn gửi đi một thông điệp cứng rắn về chính sách tiền tệ”.
Ông Dirk Schumacher, cựu chuyên gia kinh tế của ECB hiện đang làm việc tại ngân hàng Pháp Natixis, cho rằng dự báo lạm phát cao hơn mà ECB đưa ra làm tăng khả năng ngân hàng trung ương này tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 9. “Lạm phát cơ bản cần phải giảm vào tháng 6 và tháng 7 để tránh điều đó”, ông Schmacher nói.
Cũng trong ngày 15/6, ECB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Eurozone trong năm nay và năm 2024-2025, do lạm phát cao.
Cụ thể, kinh tế Eurozone được dự báo tăng trưởng 0,9% năm 2023 trước khi tăng lên 1,5% trong năm 2024 và 2025.
Hồi tháng 3, mức tăng trưởng mà ECB dự báo cho năm 2023 là 1%, của năm 2024 và 2025 là 1,6%.
Trong dự báo mới nhất, tỷ lệ lạm phát được dự báo cho năm nay và 2 năm tiếp theo lần lượt ở mức 5,4%, 3% và 2,2%, tăng nhẹ so với các dự báo đưa ra hồi tháng 3.
Giavang.net