Phát biểu với Tạp chí Heute của Đài truyền hình ZDF (Đức), Bộ trưởng Tài chính nước này Christian Lindner đã cảnh báo Đức có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và trải qua giai đoạn thiếu hụt năng lượng kéo dài trong thời gian tới.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cảnh báo, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng xảy ra trong thời gian tới do giá năng lượng tăng mạnh, các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát.
Theo Bộ trưởng Lindner, nền kinh tế Đức phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong khoảng 3 đến 4 năm, thậm chí có thể 5 năm tới và nước Đức phải tìm ra câu trả lời cho vấn đề đó. Bộ trưởng Lindner kêu gọi tiếp tục kéo dài thời gian vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân còn hoạt động ở Đức để bù đắp sự thiếu hụt khí đốt từ Nga. Theo luật hiện hành của nước này, 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại phải chấm dứt hoạt động chậm nhất vào cuối năm nay.
Hiện Đức cùng các quốc gia khác trong EU đang nỗ lực tìm các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng trong bối cảnh năng lượng trở thành trọng tâm trong cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây sau khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát vào tháng 2 vừa qua. Một số quốc gia thậm chí đã phải tạm dừng kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than.
Trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, EU nhập khẩu khí đốt của Nga để đáp ứng cho 40% nhu cầu khí đốt của khối này và riêng tại Đức, tỷ lệ này lên tới 55%. Tuy nhiên, sau khi xung đột xảy ra, giá khí đốt đã tăng vọt trên toàn cầu, đẩy lạm phát tăng cao hơn và khiến các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đau đầu tìm cách ngăn chặn khu vực này rơi vào đình trệ kinh tế.
Một số nước đã tạm dừng kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than. Giá khí đốt đã tăng vọt trên toàn cầu , đẩy lạm phát tăng cao hơn và khiến các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đau đầu hơn để tìm cách ngăn chặn khu vực này rơi vào đình trệ kinh tế.
Hiện nay, Nga vẫn bơm khí đốt sang châu Âu thông qua đường ống dẫn chạy qua lãnh thổ Ukraine, song với tốc độ giảm, trong khi đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chạy ngầm qua biển Baltic – một tuyến vận chuyển khí đốt quan trọng sang Đức, đang hoạt động chỉ với 40% công suất.
Moskava cáo buộc các biện pháp trừng phạt của Tây Âu đang cản trở công tác sửa chữa tuyến đường ống này. Đây là những nguyên nhân cản trở nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ của các nước châu Âu.
Hiện chỉ có 55% cơ sở dự trữ đã được lấp đầy, so với mục tiêu mà EU đề ra là 80% vào tháng 10 và 90% vào tháng 11 – mức đủ để EU trải qua mùa Đông nếu nguồn cung từ Nga bị gián đoạn hơn nữa.
Đứng trước những thách thức lớn về nguồn cung khí đốt, Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2022 từ mức dự báo 3,5% đưa ra trước khi bùng phát cuộc xung đột Ukraine, xuống mức 1,5%.
Giavang.net